Cô Muneera Begum, bây giờ 19 tuổi, sống ở Hyderabad, Ấn Độ nói. Cô cho biết, khi ấy cô chỉ mới 12 tuổi và cô bị cha mẹ bán vào một cuộc hôn nhân ép buộc với một người đàn ông 70 tuổi đến từ Oman.
Muneera Begum gọi cái đêm tân hôn của mình là “cuộc tra tấn”. “Tôi không được dạy dỗ hay biết bất cứ điều gì về quan hệ tình dục và không hiểu điều gì đang diễn ra với mình. Tôi chỉ cảm thấy vô cùng sợ hãi”, Muneera Begum nói. Trong suốt 2 tháng, chồng của Muneera Begum đã giam giữ cô trong một căn phòng và liên tục quan hệ tình dục bất cứ lúc nào ông ta muốn. “Nếu có việc cần đi ra ngoài, ông ta sẽ nhốt tôi lại, khi ông ta quay trở lại thì màn tra tấn sẽ lại tiếp tục diễn ra”, cô Muneera sợ hãi kể lại.
Cảnh sát nói rằng có hàng trăm trường hợp như cô Muneera Begum ở thành phố Hyderabad. Các cô gái này thường là con gái của những gia đình nghèo, cha mẹ không có tiền nên buộc phải bán con gái mà không cần đến sự đồng ý của họ và những người mua chủ yếu là những người đàn ông cao tuổi, họ tới đây để tìm kiếm người thỏa mãn bản thân.
Trong một cuộc điều tra, cảnh sát đã tìm đến một số gia đình có những người phụ nữ là nạn nhân của những vụ buôn bán hôn nhân giống như Muneera Begum, tất cả hầu như đều là những câu chuyện khủng khiếp và lạm dụng sức khỏe và tình dục. Có cả một mạng lưới buôn người, với đại lý, người môi giới, giáo sĩ…
Săn những gia đình nghèo
Các đại lý được đặt ở một số quốc gia Trung Đông và châu Phi, từ đó thông qua người môi giới tại các thành phố ở các quốc gia này, trong đó có thành phố Hyderabad (thành phố với dân số Hồi giáo lớn nhất ở Ấn Độ), tiếp cận những gia đình nghèo đang cần tiền và tìm mọi cách thuyết phục họ bán con gái ở tuổi vị thành niên của họ. Khi phía đại lý có khách hàng- thường là những người đàn ông lớn tuổi, những người có chút tiền đi du lịch tới Hyderabad. Phía đại lý sẽ liên hệ với đám môi giới ở đây và dẫn khách hàng đi chọn lựa những cô gái này.
Được biết, giáo sĩ cũng là một phần trong mạng lưới buôn bán trẻ em gái vị thành niên này. Họ sẽ đóng vai trò là người ký vào giấy chứng nhận kết hôn (giấy này không có tư cách pháp nhân) và giấy chứng nhận ly hôn nhưng ngày tháng để lùi lại về sau vào cùng một thời điểm. Tuy nhiên, theo một trong những lãnh đạo tôn giáo cao cấp nhất tại Hyderabad, Luật Hồi giáo đòi hỏi phải có sự đồng ý của một cô gái trước khi cô có thể kết hôn.
Bằng cách này, sau khi lạm dụng, quan hệ tình dục với cô gái này một thời gian, những kẻ được gọi là chồng hờ này sẽ bỏ cô gái và không bao giờ quay trở lại. Hầu như không có cô gái nào chịu đồng tình với chuyện này, họ bị hiếp dâm, nhiều người bị ép uống thuốc, họ bất lực và không thể phản kháng với những hành động thô bạo của người đàn ông kia.
Thật khó có thể tin rằng một người mẹ có thế bán con gái của mình chỉ vì một chút tiền, nhưng mẹ của Begum đã giải thích quyết định của mình. Bà nói rằng gia đình 5 người của bà sống nhồi nhét trong một căn phòng nhỏ ở một trong những vùng hẻo lánh nhất của Hyderabad. Gia đình đã nghèo khó, không có tiền mà chồng của bà- tức bố của Begum- là một người nghiện rượu. Bà đã tin rằng bán con gái đi vừa có thể cải thiện cuộc sống gia đình vừa có thể cho Begum tới một gia đình khá giả hơn.
“Chúng tôi đã nghĩ rằng bằng cách này chúng tôi sẽ có một khoản tiền mua một căn nhà nhỏ và sống ở đó. Cuộc sống của chúng tôi cũng như của con gái tôi sẽ tốt hơn. Lúc đó tôi nghĩ rằng đó là cách tốt nhất mà chúng tôi nên làm chứ không nghĩ hậu quả khiến con gái phải chịu những đau đớn, tổn thương đến vậy”, mẹ Begum giải thích.
“Giấc mơ của tôi là khiến con gái được hạnh phúc”
Bây giờ Begum đã là mẹ của một đứa trẻ và dĩ nhiên cha của đứa bé chính là người đàn ông đã buộc cô phải kết hôn. Khi cô mang thai được khoảng 2 tháng, ông ta ly dị cô qua điện thoại. Begum nói rằng cô đã rất đau khổ, quẫn trí và cố gắng tự sát. “Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi cũng đau đớn rất nhiều, cuộc đời tôi coi như đã chấm dứt tại đây. Tôi còn cố gắng cắt cổ tay để tự tử”, Begum đau khổ kể lại.
Nhưng rất may sau đó cô được một tổ chức NGO địa phương gọi là Shaheen giúp đỡ và đưa cô vượt qua thời gian khủng hoảng đó. Không chỉ cô mà nhiều cô gái vị thành niên bị bán vào các cuộc hôn nhân cưỡng ép cũng được giúp đỡ. Không chỉ vực những cô gái như Begum đứng lên, tổ chức Shaheen còn dạy cho họ những kỹ năng như may vá, vẽ henna, sử dụng thành thạo máy tính… để có thể kiếm tiền và độc lập về tài chính.
Bà Jameela Nishat là người thành lập nên Shaheen hơn 20 năm trước đây và nói rằng cô đã giúp đỡ trực tiếp hơn 100 cô gái và gián tiếp gần 1.000 người. “Giấc mơ của tôi là khiến con gái được hạnh phúc, để họ được tận hưởng cái gọi là cuộc sống và sự tự do”.
Sau khi nhận sự giúp đỡ từ tổ chức Shaheen, Begum đã tố giác với cảnh sát và các cơ quan chức năng bắt giữ những kẻ môi giới liên quan đến vụ buôn bán cô. Mặc dù chuyện đã xảy ra nhiều năm, Begum cũng đã phục hồi những chấn thương tinh thần và cô đã thề rằng sẽ làm bất cứ mọi việc để những cô gái khác không phải chịu những khổ đau mà cô đã từng trải qua.
“Mọi thứ đã trôi qua, tôi đã bắt nhịp được với cuộc sống hiện tại nhưng tôi cũng không muốn các cô gái khác phải đối mặt với những gì mà tôi đã từng trải qua - Begum nói - Trong trái tim tôi, tôi cảm nhận được sâu sắc nhất nỗi đau mà tôi từng phải chịu đựng, nên tôi không muốn bất cứ cô gái nào phải đối mặt với nỗi đau như thế. Nó quá khủng khiếp!”.