Con đường thánh tích
Cũng giống như những tín đồ Thiên Chúa Giáo hướng về Israel, hay tín đồ Hồi giáo luôn khao khát đến La Mecce, với một người theo đạo Phật, có lẽ niềm ao ước lớn nhất cuộc đời là được làm một cuộc hành hương đến với Nepal - Ấn Độ. Và dĩ nhiên, hành trình này không hề giống với những cuộc du lịch mang tính khám phá hay hưởng thụ. Đó là một hành trình “trở về” đầy vất vả, gian nan.
Đức Phật sinh ra ở Lumbini, Nepal. Từ khi sinh ra đến khi thành đạo, Ngài đã trải qua một cuộc hành trình dài trên đôi chân trần của mình, đi qua không biết bao nhiêu vùng đất, trải qua những cuộc du hành, thuyết pháp, xây dựng tăng đoàn, giáo hóa con người và rồi nhập Niết bàn, xa lìa cõi thế.
Con đường của những người hành hương là con đường đi theo bước chân của Phật, thăm viếng và nguyện cầu ở những nơi Phật từng đi qua, từng để lại dấu tích, mà Nepal chính là điểm khởi đầu. Lumbini, mà trong kinh điển tiếng Việt, vẫn được biết đến với tên vườn Lâm Tỳ Ni, là nơi thân mẫu Đức Phật, hoàng hậu Maya, tương truyền vịn vào cây Sala và hạ sinh Người từ hông bên phải. Khu vườn ấy được Unesco công nhân là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997, được bảo quản và trùng tu rất đẹp đẽ và nên thơ.
Bảo tháp nổi tiếng ở Bodh Gaya, nơi Đức Phật thành đạo, mỗi ngày có hàng ngàn tu sĩ và tín đồ đến đây tu tập |
Từ Nepal, những đoàn hành hương sẽ nhập cảnh vào Ấn Độ, đến thăm Kapilavatthu (Cà tỳ La Vệ), nằm trong khu rừng già rộng lớn. Đây chính là kinh thành nơi thái tử Tất Đạt Đa, tiền thân Đức Phật sinh sống trong thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Cuộc hành hương sẽ còn tiếp tục đến rừng Khổ Hạnh ở Rājagaha (Vương Xá thành), nơi Đức Phật đã nhận ra sự sai lầm trong lối tu khổ hạnh, rồi đến nơi thành lập Ni Đoàn đầu tiên của Phật giáo…
Một trong những điểm đến quan trọng nhất của những người hành hương chính là Bodh Gaya (Bồ Đề đạo trạng). Khu vườn nổi tiếng thế giới Bodh Gaya ngày nay chính là nơi xưa kia Đức Phật thành đạo dưới gốc Bồ đề. Một bảo tháp cao chọc trời với đỉnh làm bằng vàng ròng do hoàng gia Thái Lan cung tiến được xây cạnh cây Bồ Đề. Hàng ngày, hàng ngàn cư sĩ, tu sĩ, tín đồ từ khắp các nới trên thế giới, từ Âu, Mỹ, Úc, Á, Trung Đông… đến đây viếng, thiền định, niệm Phật và tu tập trường kì.
Vùng đất lấy đi nhiều nước mắt của những người Phật tử nhất chính là Thánh tích Kushinagar – nơi đức Phật nhập niết bàn. Trong bảo tháp, tượng Phật lớn nằm nghiêng, đúng trong tư thế mà Đức Phật tịch diệt. Dưới chân ngài, hàng trăm tín đồ quỳ, niệm và khóc, làm những nghi thức đắp y cho Đức Phật.
Hành trình dài vài chục ngàn cây số băng qua miền Đông Bắc Ấn rộng lớn, khí hậu khắc nghiệt ấy có thể được đảo lộn về mặt trình tự, vị trí, để thuận tiện hơn cho cuộc hành hương. Tuy nhiên, điều quan trọng trong hành trình đầy chay tịnh, vượt cái nóng đổ lửa, cái lạnh thấu xương, những con đường gập ghềnh đầy bụi trắng, sự cằn cỗi của thiên nhiên ấy, không đơn thuần là sự viếng thăm hay cầu nguyện. Đó là quá trình thử thách chính mình, soi tâm, khai mở tâm hồn để đến gần hơn với Phật và hiểu được những giáo lý đẹp đẽ mà Người truyền dạy cho đời.
Những thánh tích cổ bên bờ sông Hằng |
Đất nước của những người ăn chay
Rất nhiều người trên thế giới, chưa đặt chân đến, nhưng đã được nghe quá nhiều về Ấn Độ: Sự phân biệt đẳng cấp xã hội, phân hóa giàu nghèo, những hủ tục, sự coi thường nữ giới và cả vấn nạn hiếp dâm làm trăn trở những nhà hoạt động xã hội khắp nơi…
Nhưng có một Ấn Độ nữa, rất khác. Đó là Ấn Độ của những người dân ăn chay quanh năm, cực kì hiền lành và sống biết đủ trong từng giây phút. Ấn Độ, đất nước Phật giáo, giờ đây chỉ còn 2% dân số theo đạo Phật. Chiếm đại đa số, 60% là tín đồ Hindu giáo. Tuy nhiên, có lẽ vì Hindu là một đạo hiền lành, cho nhiều điểm chung với Phật giáo, hoặc cũng có thể, do tư tưởng Phật giáo trải nhiều ngàn năm vẫn thấm trong đời sống, nên người dân Ấn đang sống với một tinh thần rất nhẹ nhàng, giải thoát.
Ấn Độ là một đất nước cực kì khó hiểu, khi vừa tồn tại song song giữa những mâu thuẫn giai cấp, đói nghèo, lạc hậu và tệ nạn, nhưng người dân đại đa số lại rất hiền lành. Hơn 50% người dân ăn chay.
Suốt những con đường từ thành thị đến nông thôn Ấn, rất nhiều những ngôi chợ ven đường, nhưng khách đến có thể tìm mỏi mắt, chỉ thấy toàn hoa quả, rau củ, rất ít có thịt, cá. Người dân Ấn Độ tôn trọng các loài vật. Một đạo luật ở Ấn Độ không cho phép con người hành hạ súc vật. Thế nên, trong nhà, ngoài ngõ, trên đường phố Ấn Độ, người và vật sống chung với nhau trong một sự hòa hợp lạ lùng. Trước những ngôi làng, trâu bò nằm ngủ cạnh các cháu bé. Chó ở khắp nơi và cực kì hiền lành. Trên những tàn cây ven đường thành phố, chim chóc hót, khỉ và sóc chuyền cành…
Người Ấn Độ ăn chay, nên những ngôi chợ đa phần bán nông sản |
Khách đến Ấn Độ, khó lòng được sử dụng bất cứ dịch vụ gì trước 9 giờ sáng và sau 9 giờ tối. Một du khách đến từ Việt Nam đã bỡ ngỡ khi muốn thuê một chiếc xe chạy sang khu vực khác vào lúc nửa đêm nhưng người lái xe đã từ chối, dù giá gấp đôi. Lái xe bảo, anh làm cả ngày, đã đủ tiền để sống, giờ đây anh phải trở về với gia đình mình, ăn bữa cơm tối. Sống biết đủ, đó là phương châm của đại đa số người dân Ấn.
Đại Đức Thích Hoằng Hòa, người tu học 9 năm tại Ấn Độ, từng hướng dẫn rất nhiều đoàn hành hương từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đến Ấn Độ chia sẻ, trong suốt 9 năm sống tại đây, Thầy hầu như chưa thấy một quán nhậu nào ở Ấn Độ, trừ những bar dành riêng cho du khách. Cũng ít thấy những tiếng chửi rủa, cãi cọ khi va chạm trên đường, hiếm thấy những hành vi gian dối. Và dẫu trải qua một thời gian rất dài sống trên đất Ấn, cùng con người Ấn, vị thầy vẫn chưa bao giờ thôi ngạc nhiên về vùng đất này.
Mãi mãi, Ấn Độ vẫn là một miền đất thiêng ẩn chứa bên trong chiều sâu thăm thẳm của một nền văn minh mà con người khó lòng có thể hiểu và chạm đến.