Ấn Độ đẩy nhanh thương vụ mua máy bay không người lái của Mỹ

(PLO) - Ấn Độ đang thúc đẩy việc Mỹ phê chuẩn đề nghị của nước này về việc mua máy bay không người lái Guardian. Đây là một phần trong các nỗ lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thổi một luồng gió mới trong quan hệ với Washington khi ông lần đầu có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần này. 
Thủ tướng Ấn Độ Modi
Thủ tướng Ấn Độ Modi

Theo Reuters, việc đảm bảo đạt được thỏa thuận về việc mua 22 máy bay không người lái Guardian đang được New Delhi xem là một phép thử quan trọng đối với quan hệ quốc phòng giữa 2 nước vốn phát triển mạnh mẽ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhưng lại trở nên mờ nhạt dưới thời ông Trump khi ông này tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc với mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ấn Độ muốn bảo vệ đường bờ biển dài 7.500km của nước này trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các tuyến giao thương hàng hải và các tàu ngầm của Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở khu vực. Washington gần đây cũng đã xếp New Delhi vào danh sách các đồng minh quốc phòng lớn nhưng thương vụ mua bán nói trên cho đến nay chưa hoàn tất. Ban đầu, Ấn Độ muốn mua máy bay có thể bắn tên lửa Predator Avenger nhưng đã bị chính phủ của ông Obama từ chối. Do đó, họ đã chuyển sang đề nghị mua Guardian – một biến thể không có vũ khí của Predator Avenger.

Từ tháng 6/2016 cho đến nay, Ấn Độ đã 3 lần đề cập với Washington về vấn đề máy bay không người lái. Trong những tuần gần đây, 2 bên đã đẩy mạnh các nỗ lực để hoàn tất thương vụ mua bán. Hồi tháng 3 vừa qua, 2 Nghị sỹ Mỹ John Cornyn và Mark Warner trong một bức thư gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng thương vụ mua máy bay trị giá hơn 2 tỉ USD có thể thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và bảo vệ các công việc của Mỹ.

Theo một quan chức Mỹ, việc mua bán này nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ và hiện chỉ chờ sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao nước này. Song, một số nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại về tác động gây bất ổn tiềm ẩn của việc đưa máy bay không người lái công nghệ cao vào Nam Á, nơi căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng gia tăng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Kashmir. Ngoài ra, một số vấn đề căng thẳng khác giữa 2 nước cũng đang xuất hiện, trong đó có việc Mỹ lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa 2 nước và những tranh cãi liên quan đến thỏa thuận khí hậu Paris.

Nếu được Mỹ đồng ý bán cho các máy bay Guardian mà New Delhi muốn dùng để do thám Ấn Độ Dương, Ấn Độ sẽ là nước đầu tiên không phải là thành viên của NATO mua được máy bay này. Trong một nỗ lực để thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước, vào ngày 25/6 tới, ông Modi sẽ bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Washington. “Chúng tôi đang tìm cách thúc đẩy để đưa thương vụ này lên thành trọng tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự”, một quan chức Ấn Độ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thảo luận về thương vụ mua máy bay cho biết trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Modi.

Trước đó, việc ông Trump đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo của các nước như Nhật Bản, Anh và Việt Nam đã khiến một số ý kiến ở New Delhi lo ngại rằng Ấn Độ không còn là một ưu tiên của Washington. Dù vậy nhưng theo một số nguồn tin, các quan chức Mỹ dự báo chuyến thăm của ông Modi sẽ không quá rình rang. Ông dự kiến cũng sẽ không nhấn mạnh đến chương trình visa của Mỹ mà chính phủ của ông Trump đang xem xét để giảm lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao và giữ việc làm cho người Mỹ. Các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ cử khá nhiều lao động tới Mỹ theo chương trình visa H-1B. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ Ria Teaotia cho biết chương trình visa này sẽ là một trong các vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo trong chuyến thăm Mỹ của ông Modi. 

Đọc thêm