Ẩn họa tai nạn giao thông từ trào lưu 'sống ảo'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội, ý thức của mỗi người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng. Nhưng nhiều người chỉ vì “câu view” mà đặt mình và những người xung quanh vào nguy cơ mất an toàn.
Ẩn họa tai nạn giao thông từ “sống ảo”. (Ảnh minh họa - Nguồn: Getty)
Ẩn họa tai nạn giao thông từ “sống ảo”. (Ảnh minh họa - Nguồn: Getty)

Mạng ảo, chế tài xử phạt thật

Vào ngày 24/9, trên kênh TikTok có tick xanh của một người mẫu nổi tiếng đã đăng tải video ghi lại cảnh một cô gái lái xe mô tô phân khối lớn trong khu vực được cho là đường nội bộ thuộc phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM. Trong video, cô gái này còn thả cả hai tay, đứng trên xe và tạo dáng, chỉ tay vào ống kính. Video còn có cảnh cô gái ngồi hai chân một bên, lái xe bằng một tay ngay trên đường, ngoài ra thực hiện loạt hành động nguy hiểm khác.

Dù đã bị Tiktok gắn dán cảnh báo, khuyến cáo người xem không làm theo nhưng chỉ vài ngày sau khi được đăng tải, video đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem. Đáng chú ý, trên kênh Tiktok có hơn 7 triệu người theo dõi, nhưng nữ người mẫu liên tục đăng tải các clip có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông như lái mô tô không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe lái biển số “đút gầm” lên kênh của mình.

Đại diện Phòng cảnh sát giao thông Công an TP HCM vừa cho biết đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với T.T.N.T (34 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh, người mẫu ảnh nổi tiếng) sau video chạy mô tô trên với các lỗi: điều khiển xe che lấp biển số, không có giấy đăng ký xe, không có giấy phép lái xe A2.

Đây không phải trường hợp đầu tiên người dùng mạng xã hội đăng video có hành vi sai phạm pháp luật về an toàn giao thông và bị xử lý. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, trên mạng xã hội đăng tải đoạn video ghi lại cảnh nữ tài xế điều khiển ô tô hiệu Mercedes, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, gây nguy hiểm cho người tham giao thông. Ngay sau khi nhận thông tin, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã xác minh và mời nữ tài xế L.H.N (28 tuổi, Hưng Yên) lên làm việc. Tại đây, tài xế L.H.N đã bị xử phạt với các lỗi: “không thắt dây an toàn khi điều khiển xe trên đường”, “dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường”. Tài xế N. bị xử phạt 3,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Ẩn họa sau camera

Trên đây là hai trong số rất nhiều video, hình ảnh được đăng tải trên các mạng xã hội với nội dung gây mất trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông với mục đích “câu like”, “câu view”. Lướt qua các nền tảng mạng xã hội, không khó để thấy những video được cắt ghép, trình diễn nhằm bắt kịp các trào lưu đã và đang diễn ra, có thể kể đến như: thấy đèn đỏ liền xuống xe rồi đứng trước vạch kẻ đường chụp ảnh tự sướng với người đi đường, vừa điều khiển xe máy vừa cầm điện thoại quay video tạo dáng, truyền điện thoại từ xe này tới xe khác hay thậm chí livestream,…

Điểm chung của các trào lưu này chính là nguy cơ mất an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông. Việc vừa đi vừa dùng điện thoại sẽ khiến người lái mất tập trung, đồng thời không “đủ tay” để xử lý những tình huống bất ngờ, rất dễ mất kiểm soát phương tiện. Người lái xe đi trên đường tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động, cần tập trung quan sát để tránh những vụ tai nạn không đáng có.

Hay như trường hợp của nữ người mẫu T.T.N.T, sau loạt hình ảnh lái xe mô tô gây tranh cãi vì quá nguy hiểm, mới đây cô đã đăng tải khoảnh khắc ghi lại cảnh gặp tai nạn khi vừa tạo dáng vừa lái mô tô. Trong đoạn video, khi đang tạo dáng “sống ảo” trong lúc chạy xe thì xuất hiện ngã rẽ, do cô không đủ kinh nghiệm xử lý và cũng đang tạo dáng không đúng chuẩn nên gặp tai nạn. Chính nữ người mẫu sau đó đã thừa nhận lỗi sai vì không mặc đầy đủ đồ bảo hộ, đổi tư thế khi điều khiển xe lưu thông trên đường.

Nền tảng mạng xã hội và các trào lưu vốn không xấu nếu như người dùng không bị mê hoặc bởi những nút like, lượt view để liều mình tạo ra và chạy theo các trào trào lưu nguy hiểm. Đừng vì mạng xã hội ảo mà gây ra hậu quả thật, đánh mất ý thức giữ an toàn khi tham gia giao thông.