Ẩn họa từ dầu nhớt phế thải

Với đặc thù một thành phố cảng, Hải Phòng hội tụ hàng loạt cơ sở sửa chữa tầu thủy, các xưởng cơ khí…, mỗi ngày thải ra một lượng cực lớn dầu nhớt phế thải và tất cả số này đều được "đầu nậu" “hợp đồng” bao tiêu toàn bộ... Nếu như tiếp thị của Cty ACC, rất có thể một lượng không nhỏ dầu phế thải sẽ được một số cơ sở tái chế thiếu lương tâm đem bán cho người tiêu dùng.

Ngoài các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, với đặc thù một thành phố cảng, Hải Phòng còn hội tụ hàng loạt cơ sở sửa chữa tầu thủy, các xưởng cơ khí…, mỗi ngày thải ra một lượng cực lớn dầu nhớt phế thải và tất cả số này đều được "đầu nậu" “hợp đồng” bao tiêu toàn bộ, còn họ mua về làm gì thì không ai biết.

Hải Phòng hình thành cả những phố thu mua dầu thải
Hải Phòng hình thành cả những phố thu mua dầu thải

Tập nập “chợ” dầu thải

Anh Đỗ Văn Hùng, chủ cơ sở rửa xe, thay dầu máy trên đường Tôn Đức Thắng (huyện An Dương – Hải Phòng) cho biết, dầu thải từ xe máy, ô tô được thu gom đổ vào thùng phuy, mỗi khi gom được khoảng trăm đến hai trăm lít, lại có người cho xe ô tô đến chở đến các cơ sở thu mua lớn, cơ sở tái chế. Anh Hùng chia sẻ, “không biết họ thu mua làm gì, dẫu sao việc thu gom như thế cũng góp phần bảo vệ môi trường đấy chứ”.

Không chỉ anh Hùng, hầu hết các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, tầu thủy… trên địa bàn đều được các chủ cơ sở thu mua dầu nhớt “hợp đồng” bao tiêu toàn bộ dầu, nhớt phế thải. Ngoài ra, các chủ cơ sở thu mua dầu nhớt phế thải còn “tung” một bộ phận “cửu vạn” đi thu mua dầu phế thải tại một số sản xuất cơ khí trên địa bàn.

Anh Nguyễn Quốc Đạt, chủ cơ sở thu mua dầu nhớt thải trên địa bàn phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng thủng thẳng phán: “Dầu nhớt thải loại gì cũng mua, giá 3 triệu đồng/phuy 200 lít. Nếu ít thì người bán tự chở đến, nhiều anh sẽ hỗ trợ công vận chuyển". Tuy nhiên, khi được gạn hỏi dầu nhớt được thu mua để làm gì thì anh Đạt không “bật mí”.

Anh Nguyễn Văn Trg (tức Trg “dầu”), một “trùm” tái chế dầu thải trên địa bàn Hải Phòng những năm trước cho biết: dầu, nhớt thải sau khi làm sạch các tạp chất sẽ trở thành dầu đốt công nghiệp, đem bán cho các lò đốt rác, lò đốt gạch, nhà máy kính …. để làm phụ gia, gia nhiệt cho các lò đốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, các lò đốt này cũng hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở tái chế thu mua về nhưng chưa bán đi được nên mặt hàng này cũng giảm giá.

Theo anh Trg, áp dụng các quy định bảo vệ môi trường trong việc xử lý dầu nhớt phế thải đối với các cơ sở tái chế là quá xa xỉ bởi lời lãi trong việc xử lý chất thải này không được đáng là bao.

Ẩn họa khôn lường

Sau một thời gian lăn lộn với những phuy dầu phế thải, Trg “dầu” lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, trở thành "đại gia", trong tay có bạc tỷ, mới đây "đại gia" này còn góp vốn để trở thành một cổ đông lớn của một khách sạn bốn sao trên địa bàn Hải Phòng.

Nhớ lại thời gian khốn khó, Trg “dầu” kể, thuê được mặt bằng ngoài bãi sông trên địa bàn phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, mỗi khi cơ sở “nổi lửa”, nấu dầu phế thải, mùi dầu khét, khói đen bốc lên từng cuộn, “ném” vào nhà dân gây cảm giác ngột ngạt, khó thở. Không ít lần người dân kéo đến đòi “làm gỏi” cơ sở tái chế.

Năm 2011, cơ sở tái chế dầu phế thải của ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1972) tại xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên phát hỏa. Vụ cháy thiêu rụi toàn bộ “dây chuyền” nấu dầu phế thải trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đám cháy được khống chế kịp thời trước khi lan sang Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng.

Thời gian gần đây, Cty TNHH Thương mại và kỹ thuật ACC - địa chỉ tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội liên tục quảng bá phương pháp “lọc và khử mùi dầu nhớt thải bằng hóa chất” với lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn: “sau khi xử lý, dầu nhớt có màu sắc, mùi vị giống như các loại dầu nhớt nguyên chất ban đầu, đảm bảo sẽ không ai phát hiện ra đây là dầu tái chế”...

Anh Trg “dầu” nghi ngại, nếu quả thật như tiếp thị của Cty ACC, rất có thể một lượng không nhỏ dầu phế thải sẽ được một số cơ sở tái chế thiếu lương tâm đem bán cho người tiêu dùng.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Hồng Bàng kiểm tra, phát hiện cơ sở tái chế dầu phế thải của ông Vũ Anh Dương (HKTT tại phường Thượng Lý), trên địa bàn tổ dân phố An Trì I, phường Hùng Vương (cùng quận Hồng Bàng) đang trữ tới 20 phuy loại 200 lít  và 4 téc có thể tích 15m3  dầu phế thải. Ông Dương không xuất trình được giấy phép kinh doanh loại mặt hàng này, không có cam kết bảo vệ môi trường, không có báo cáo tác động môi trường…..

Trong năm 2012, PC 49 CA TP Hải Phòng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Trung tâm cứu hộ và sửa chữa ô tô Pjico, Cty TNHH ô tô Huy Hoàng (trên địa bàn quận Hồng Bàng), cả hai cơ sở này đều không có đánh giá tác động môi trường, không có cam kết bảo vệ môi trường. Đại diện của hai DN hồn nhiên cho biết, chất thải chính của DN là dầu thải đã có người thu gom nên không cần phải có hệ thống xử lý chất thải.

Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng, do có quá nhiều nguồn phát thải chất thải dầu nhớt trên địa bàn, nên cơ quan chức năng quản lý không xuể. Lãnh đạo Chi cục cũng thừa nhận, không thể “lượng” hóa nguồn chất thải này trên địa bàn.

Việc thu gom, xử lý tái chế đối với nguồn phát thải này từ trước đến nay vẫn bỏ ngỏ. Lãnh đạo PC 49 CA TP Hải Phòng cũng cho biết, dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhưng mới chỉ có số ít cơ sở phát sinh nguồn dầu nhớt phế thải trên địa bàn có phương án, kế hoạch thu gom xử lý nguồn chất thải này.

Văn Thương

Đọc thêm