Ẩn họa tử thần trong các quán karaoke "độc đạo"

(PLO) - Một vụ cháy nhỏ phạm vi trong một căn nhà nhưng có đến năm người chết. Những người sống sót nhờ trổ nóc nhà hoặc "làm đuốc sống" vượt qua biển lửa. Pháp luật bỏ ngỏ quy định bắt buộc có lối thoát hiểm nên hầu hết các quán Karaoke đều chỉ có một cầu thang và lối ra vào duy nhất.
Hiện trường vụ hỏa hoạn - ngôi nhà không có lối thoát hiểm.  Ảnh: Khánh Tùng
Hiện trường vụ hỏa hoạn - ngôi nhà không có lối thoát hiểm. Ảnh: Khánh Tùng
Như PLVN đã đưa tin, vào khoảng 12h15’ trưa ngày mùng 3/5/2014, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại tầng một rồi nhanh chóng bao trùm toàn bộ quán Karaoke Nhật Thực ở số 4B, ngõ 43 Giảng Võ, Hà Nội làm năm người tử vong, một số người bị bỏng nặng. 
Khi phát hiện ra cháy, hai nhân viên của quán đã nhanh chóng đi xe máy tới Đội Phòng cháy chữa cháy Đống Đa gần đó để thông báo. Năm xe chữa cháy đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng chữa cháy đã phải đập vỡ kính các tầng nhà để khói thoát ra bên ngoài. Lính cứu hỏa phải đeo mặt nạ chống độc để tìm cách tiếp cận bên trong căn nhà. Nhưng phải sau gần hai giờ đồng hồ, đám cháy mới được khống chế, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phải cấp cứu các nạn nhân ngay trên tầng thượng.
Bình thường có đến trên 30 nhân viên
Theo quan sát từ hiện trường vụ cháy cho thấy, ngôi nhà dùng làm quán karaoke này có bốn tầng và một tum, diện tích khoảng gần 100m2 và có duy nhất một cầu thang chính đi lên các phòng, không có lối thoát hiểm. 
Bà Thành, người dân sinh sống đối diện ngõ 43 cho biết: “Tôi và mấy đứa cháu đang nghỉ trưa trên tầng hai, nghe người ta láo nháo, hô hoán nên tôi xuống nhìn, mới biết là cháy”. Theo lời bà Thành, đám cháy bốc khói đen nghi ngút, mùi khét lẹt. Đứng ở cổng ngõ, bà nhìn thấy một thanh niên là nhân viên của quán cởi trần, mặc quần ngắn, tóc tai cháy xém, mặt mũi xám xịt, vô cùng hoảng loạn chạy ra từ đám cháy.
Anh Lê Hoàng Hải - người dân khu vực lân cận đã tiếp cận được hiện trường ngay khi đám cháy xảy ra và thấy cửa kính tầng một vỡ vụn, đám cháy bốc cao lên những tầng trên. Ngoài ra, anh đã tận mắt nhìn thấy ba nhân viên của quán chạy ra từ đám cháy, trong đó, một người thân hình cháy đen sạm đã bật khóc nức nở. Theo anh này, mình đã thoát nạn bằng cách chạy lên trên và trèo sang nhà hàng xóm.
Qua lời kể của những người dân, quán karaoke này đã hoạt động được khoảng 4, 5 năm và liên tục đổi chủ. Vào khoảng giữa năm 2013, quán đã bị công an phường, quận vào thu dỡ biển và không cho kinh doanh, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khoảng một tháng quán lại hoạt động trở lại. 
Lực lương PCCC phải đập cửa sổ để khói thoát ra ngoài. Ảnh: Khánh Tùng
Lực lương PCCC phải đập cửa sổ
để khói thoát ra ngoài.
Ảnh: Khánh Tùng 
Chỉ một lối đi cho hàng trăm người
Vấn đề đáng lưu tâm nhất ở đây là một quán karaoke phục vụ khách mà chỉ có một lối lên độc đạo, không có lối thoát hiểm. Nếu như ngày hôm qua có khách vào hát đông vậy, thử hỏi số lượng thương vong sẽ tăng lên bao nhiêu? Vậy ai là người chịu trách nhiệm cấp phép, quản lý cũng như quản lý chất lượng mà để sự việc trên xảy ra.
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có tới hàng trăm quán karaoke hoạt động ngày đêm. Có những con phố, ngõ ngách tập trung đến hàng chục quán karaoke nối tiếp nhau như khu vực sau Trường Đại học Thương mại, khu vực đường Chùa Láng, khu đường Láng, đường Trần Duy Hưng, đường Trần Nhân Tông …. 
Phóng viên PLVN có tìm hiểu một số quán karaoke như quán Dương Cầm số 8 Chùa Láng, Hà Nội, là một quán karaoke năm tầng với gần chục phòng hát, với thiết kế hình ống nên chỉ có duy nhất một cầu thang bộ cho khách đi lên phòng hát, và có lẽ cầu thang duy nhất này cũng sẽ là lối thoát hiểm duy nhất nếu như xảy ra sự cố. 
Ngoài ra còn có thể kể đến những địa chỉ quán có thiết kế tương tự ví dụ như Thiên Anh Karaoke 29 Quan Hoa, Cầu Giấy; Huyền Vũ Karaoke 43 Chùa Láng, Đống Đa; Phương Thảo Karaoke 562 đường Láng; …. 
Không hiểu có bao nhiêu quán có lối thoát hiểm? Đây là một bài học phải trả giá bằng 5 mạng người cho việc quản lý chất lượng cũng như phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke. 
Giấy phép kinh doanh karaoke bỏ ngỏ với an toàn phòng cháy
Vụ cháy này đã đặt ra câu hỏi pháp lý liên quan đến quy định về thoát hiểm tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Vì nếu có lối thoát hiểm, đã có thể cứu sống năm người đã thiệt mạng trong vụ cháy này.  Kinh doanh karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Muốn kinh doanh, trước tiên phải được cấp phép. Hồ sơ xin phép theo quy định tại Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm: 
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh (Mẫu số 3 và Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này); 
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có giá trị pháp lý;
c) Văn bản đồng ý của các hộ liền kề hoặc văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến (đối với kinh doanh karaoke).
Như vậy, hồ sơ xin phép kinh doanh karaoke không đề cập đến điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy nói chung và lối thoát hiểm cho khách nếu xảy ra hỏa hoạn nói riêng.
Có được giấy phép, cơ sở kinh doanh karaoke sẽ hoạt động.  Khi hoạt động rồi, chủ cơ sở kinh doanh mới phải tuân thủ quy định “Đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ” theo quy định  tại Khoản 5 Điều 32 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Cụ thể, ở đây chủ cơ sở kinh doanh sẽ phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Trong bộ hồ sơ này mới đề cập đến điều kiện phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Và bản thân điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy cũng không đề cập quy định cụ thể về lối thoát hiểm.
Không lối thoát hiểm tại các điểm hoạt động karaoke đồng nghĩa với việc cửa tử đang chờ sẵn các khách hàng. 
Luật sư Thế Anh, Trung Tâm Thông tin Pháp Luật Việt Nam.

Đọc thêm