“Ẩn họa” từ việc giảm mức sinh thay thế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nửa đầu năm 2023, dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, đánh dấu cột mốc rất lớn và rất có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần giải quyết trong công tác dân số khi tỷ lệ sinh cần để bảo đảm cho dân số phát triển ở Việt Nam là 2,1 con/phụ nữ thì hiện nay con số thực tế lại thấp hơn và không đạt mức sinh thay thế.
Mức sinh thấp ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số. (Ảnh: SKĐS)
Mức sinh thấp ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu dân số. (Ảnh: SKĐS)

Thực trạng dân số Việt Nam

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, bằng những nỗ lực của toàn bộ ngành, địa phương trên cả nước, công tác dân số đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, phải kể đến cuộc cách mạng trong sinh đẻ, từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch. Từ khi chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai vào năm 1961, tổng tỷ suất sinh - TRF đã giảm từ 6,4 con (1960) xuống 2,12 con (2020). Giai đoạn 1960 - 1989, mức sinh giảm chậm, đến đầu thập niên 1990 mức sinh bắt đầu giảm nhanh.

Năm 2006, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế (TRF = 2,09) con và duy trì trong suốt 15 năm qua, điều mà không nhiều quốc gia làm được. Việc khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, mức sinh giảm, mức chết giảm, tuổi thọ người dân ngày càng gia tăng đã tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dân số, chăm lo đời sống Nhân dân, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, gắn dân số với phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

Đến năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68% tổng dân số cả nước. Đây là cơ cấu rất hiếm, vì nhiều nước mức sinh cao, trẻ em nhiều hoặc những nước dân số già, nhiều người cao tuổi sẽ không có cơ cấu này. Năm 1979, tỷ lệ dân số từ 15 đến 64 tuổi ở nước ta chỉ có 52,7%, năm nay tỷ lệ này là 67,5%. Với lợi thế so sánh là nguồn nhân lực lao động dồi dào so với các quốc gia khác, cơ cấu dân số vàng thực sự là cơ hội có một không hai để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự tăng tỷ số trong nhóm độ tuổi lao động và giảm tỷ số trong nhóm dân số phụ thuộc là nhờ kết quả của công tác DS-KHHGÐ.

Không chỉ bảo đảm về số lượng mà chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng liên tục đạt mức trung bình cao trên thế giới, đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con người làm mục tiêu động lực và lấy việc phát huy nguồn lực con người làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tăng thêm 33,7 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73,7 tuổi năm 2020, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Nhìn chung, tình hình dân số Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ mức chết cao sang mức chết thấp, từ cơ cấu “dân số trẻ” sang giai đoạn “già hoá dân số” và chuyển sang “dân số già”; từ cơ cấu “dân số phụ thuộc” sang cơ cấu “dân số vàng”.

“Ẩn họa” ảnh hưởng đến chất lượng dân số

Đến nay, dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số, tuy nhiên, cũng có rất nhiều thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Trong bối cảnh bối cảnh Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế, song sự chênh lệch giữa các vùng miền, đối tượng, đồng thời tỷ lệ vô sinh cao lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự sụt giảm mức sinh tại Việt Nam… từ đó ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai.

Trên thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế tại các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người, một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.

Cùng với mức sinh giảm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao - một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức sinh ngày càng thấp. Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% (trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%) dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng từ 15 - 20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Thực trạng này ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chờ mong hạnh phúc làm cha, mẹ.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, dù duy trì mức sinh thay thế nhưng hiện nay nước ta đang đối mặt về sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố. Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số). Thậm chí một số nơi rất thấp, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung. Trong đó, mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56 con, tại Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con.

Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững cho đất nước. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến mức sinh ngày càng thấp đến từ xu hướng giới trẻ ngày càng ít sinh con. Đơn cử tại TP HCM, Chi cục DS-KHHGÐ TP HCM cho biết, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 năm 2022. Theo các chuyên gia, nếu mức sinh thấp dưới 1,3 thì hầu như không có khả năng khôi phục về mức sinh thay thế.

Mức sinh thấp còn góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Nếu năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069, tức là 50 năm sau cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. Mặt khác, ở mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Như tại TP HCM, mức sinh của thành phố hiện đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con, đồng nghĩa với việc thành phố đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước là 48,8%.

Nhìn chung, mức sinh thấp kéo dài là “ẩn họa” tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Trong tương lai gần, ngay sau giai đoạn “dân số vàng” sẽ bước sang giai đoạn “dân số già”. Khoảng cách giữa hai giai đoạn này dài hay ngắn phụ thuộc việc điều chỉnh mức sinh của mỗi nước cũng như tùy thuộc vào tốc độ già hóa dân số. Để khắc phục những hạn chế và phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, nước ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đạt quy mô dân số 100 triệu dân, trở thành 1 trong 15 quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, thứ 8 châu Á và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Phillipines. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một lợi thế lớn với Việt Nam khi được bổ sung nguồn nhân lực lớn để có thể tăng trưởng và bứt tốc.

Đọc thêm