Nỗi đau của kẻ tiên phong
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi phần lớn người dân huyện Gia Viễn, Ninh Bình còn phải vật lộn với những trận lụt liên miên, vật vã với miếng cơm, manh áo thì cái tên Phạm Hồng Thái đã nổi lên như một đại gia nức tiếng trong lĩnh vực xây dựng.
Sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn, người thợ cả tài hoa này nhanh chóng trở thành một “cai thầu” (cách gọi của người dân lúc bấy giờ - PV) với rất nhiều hợp đồng xây dựng lớn trong và ngoài tỉnh.
Những người biết ông còn kể lại rằng, thời bấy giờ, đi đâu Phạm Hồng Thái cũng dễ dàng nhận được những hợp đồng xây dựng lớn và với cách triển khai công việc khoa học, hợp lý, phần lớn các hợp đồng ông nhận đều nhanh chóng về đích trước tiến độ được giao.
Cuộc đời ông cũng bắt đầu tàn tạ, cay đắng vì chính sự thành công hơn người này.
Ngày 17/5/1988, Phạm Hồng Thái ký hợp đồng xây dựng 6 hạng mục cho Công ty Đại lý vận tải Gia Viễn. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì ngày 22/12/1988, Công an huyện đến bắt ông.
Ngày 19/9/1989, TAND huyện Gia Viễn tuyên Phạm Hồng Thái phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và kết án 12 tháng tù cho hưởng án treo.
Đây là một bán án kỳ lạ vì người ta không chứng minh được cái tài sản XHCN mà Phạm Hồng Thái chiếm đoạt là gì. Căn cứ duy nhất để người ta kết tội ông là bản hợp đồng ký với Công ty Đại lý vận tải Gia Viễn. Trong hợp đồng, Phạm Hồng Thái ký nhận số tiền 56 triệu đồng, nhưng trên thực tế ông chỉ lấy 55 triệu. Ông bị kết tội chỉ vì đã không lấy hết số tiền của mình.
Sáu tháng sau, ngày 23/3/1990, TAND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) xử lại và tuyên Phạm Hồng Thái không phạm tội.
Ngày 14/11/2006, TAND huyện Gia Viễn đã công khai xin lỗi ông Phạm Hồng Thái vì đã "kết tội oan cho ông" |
Thế nhưng, “không phạm tội” thì sao? Tất cả tài sản của Phạm Hồng Thái đã mất hết trong quá trình ông bị bắt giam. Các hợp đồng đang thực hiện không được thanh toán.
“Trở thành kẻ trắng tay, nhưng tôi không gục ngã. Tôi tiếp tục nghĩ cách vực dậy bởi sau lưng mình còn bao nhiêu người lao động. Tôi tiếp tục lên Hoàng Liên Sơn (nay là Yên Bái – PV) tìm kế sinh nhai” – ông Thái chua xót kể lại một biến cố nữa trong cuộc đời mình.
Ông Thái không thể kể hết những cay đắng mà cuộc đời ông đã trải qua từ khi bị kết án oan |
Lên Yên Bái làm ăn, cách làm của Phạm Hồng Thái lại nhanh chóng được nhân dân trong khu vực tín nhiệm. Các hợp đồng xây dựng ở Yên Bái lại tìm đến với ông. Thế nhưng, bi kịch thương trường chưa dừng lại ở đây
Bị cạnh tranh thị phần làm ăn, năm 1991, 7 công ty của tỉnh Yên Bái cùng đứng đơn kiện Phạm Hồng Thái về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 6/1991 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn truy tố ông về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đến tháng 7/1991, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân Hoàng Liên Sơn đã tuyên ông “không phạm tội”.
Cùng bị quy kết là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”, là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và cùng được tuyên là “không phạm tội", thế nhưng, một tỉnh thì đã công khai xin lỗi ông, còn một tỉnh thì đã coi như xong chuyện.
Không cam tâm vì sau khi hầu kiện ở 2 tỉnh với mấy cấp tòa, cơ đồ của ông đã tan thành mây khói. Hành trình đi đòi bồi thường oan sai của Phạm Hồng Thái bắt đầu.
Kỳ lạ niềm tin vào công lý
Từ ngày được TAND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) xử lại và tuyên không phạm tội (23/3/1990), đặc biệt từ khi được TAND huyện Gia Viễn công khai xin lỗi (14/11/2006) đến nay, ông Thái đã đội đơn đi hết cơ quan này đến cơ quan khác để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Vợ con đã tha phương cầu thực vào Nam, nhưng ông Thái vẫn kiên trì ở lại ngôi nhà này để đội đơn đi đòi bồi thường oan sai |
Ngày 17/10/2006, TAND tối cao đã có văn bản số 446/HS-TANDTC do Chánh tòa Tòa Hình sự Đinh Văn Quế thừa lệnh Chánh án TANDTC ký gửi TAND huyện Gia Viễn nêu rõ:
“Sau khi ông Thái được TAND tỉnh Hà Nam Ninh tuyên bố không phạm tội, được khôi phục mọi quyền lợi theo quy định của pháp luật (tại bản án hình sự phúc thẩm số 45 ngày 23/3/1990); từ năm 1990 (trước khi Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 được ban hành), ông Phạm Hồng Thái đã có nhiều đơn thư gửi các cơ quan hữu quan đề nghị được bồi thường số tài sản bị thu giữ do bị bắt giam; đề nghị truy tố đối với những người bắt giam và điều tra vụ án và giải quyết quyền lợi cho ông theo quy định của pháp luật. Ông Phạm Hồng Thái đã xuất trình các đơn khiếu nại ghi ngày 19/7/1990; đơn – lệnh đề nghị khởi tố ghi ngày 1/11/1991 và Công văn số 444/KSXKT ghi ngày 25/4/1992 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thể hiện việc ông đã khiếu nại.
Với các tài liệu trên, được hiểu là ông Phạm Hồng Thái đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chưa được giải quyết xong. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH thì yêu cầu bồi thường của ông Phạm Hồng Thái được áp dụng Nghị quyết này để giải quyết.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quý Tòa khẩn trương tiến hành giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Phạm Hồng Thái theo đúng quy định của pháp luật”.
Từ 10 năm trước, TANDTC đã yêu cầu TAND huyện Gia Viễn phải khẩn trương giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Thái |
Thế nhưng, điều kỳ lạ là hết Nghị quyết 388 rồi đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành, đi vào cuộc sống thì những yêu cầu của ông vẫn cứ rơi vào im lặng.
Nhìn căn nhà tàn tạ với những mảng rêu mốc của doanh nhân thành đạt một thời, tôi cám cảnh an ủi ông rằng: “Thôi, một đời tài hoa của bác cũng coi như đã khép lại. Chắc cũng là số phận!”.
Bất ngờ, ông lại động viên “ngược” tôi rằng: “Không, đời tôi vẫn còn niềm tin vào công lý. Tôi tin mình sắp được minh oan. Việc của tôi, các cơ quan chức năng không quên đâu vì tháng nào tôi cũng gửi đơn. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng cho tôi xin lại những gì họ đã lấy của tôi thôi”.
Hành trình đi tìm công lý của ông Phạm Hồng Thái cơ cực như thế nào và tại sao người đàn ông này vẫn còn niềm tin vào công lý, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.