“Ăn theo” tỷ giá


Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 USD/VND, hàng loạt mặt hàng “tát nước theo mưa”.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 USD/VND, hàng loạt mặt hàng đã “tát nước theo mưa”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi, cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn ổn định, nhưng giá thép thế giới tăng cao khiến một số doanh nghiệp thép buộc phải điều chỉnh tăng giá bán, mức tăng 400-800 nghìn đồng/tấn, có doanh nghiệp tăng tới một triệu đồng/tấn. Trên thị trường, giá bán thép hiện ở mức 16 - 16,5 triệu đồng/tấn (chưa kể thuế VAT), tăng khoảng 500 nghìn đồng/tấn so cùng kỳ.

Theo VSA, thời điểm này, sức tiêu thụ thép ở mức khá khả quan, trong tháng 1 đạt khoảng 340 nghìn tấn, trong khi thông thường luôn dưới 300 nghìn tấn. Trong tháng 2 này, sức mua trên thị trường vẫn tiếp tục ở mức cao. Theo dự báo, trong tháng 2 và 3 nhiều doanh nghiệp sản xuất thép vẫn có khả năng tiếp tục tăng giá thép do từ cuối tháng 1 trở lại đây, giá thép phế thế giới đã tăng thêm 100 USD/tấn và ảnh hưởng của các yếu tố khác như tỷ giá USD/VND, lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao...

Còn các hãng gas vừa giảm giá được tròn… 10 ngày, với 20.000 đồng/bình, thì nay, “đón” thông tin NHNN điều chỉnh tỷ giá, lại ngay lập tức tăng giá trở lại. Từ ngày 12/2, giá gas lại tăng thêm 17.000 đồng/bình 12kg. Cụ thể, các hãng gas lớn như Saigon Petro, Thái Dương Gas… vừa cho biết, các hãng này sẽ tăng từ 15.000- 17.000 đồng so với giá hiện hành. Theo đó, giá bán lẻ tới người tiêu dùng là 320.000- 325.000 đồng/bình 12kg. Shell gas, Petrolimex gas, Petro VN sẽ tăng khoảng từ 16.000 – 18.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng như vậy, giá gas của các hãng này bán đến người tiêu dùng  sẽ dao động ở mức 340.000 - 400.000 đồng/bình 12kg tùy hãng.

Theo Hiệp hội xi măng, giá xi măng sẽ còn biến động nếu điện và than đồng loạt tăng giá. Hiện một số doanh nghiệp đã tăng giá bán xi măng thêm 60.000 đồng mỗi tấn, với mức phổ biến từ 900 nghìn đồng - 1,36 triệu đồng mỗi tấn tùy chủng loại. Hiệp hội xi măng cho biết, cước vận tải và một số nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã bắt đầu tăng nên giá bán buộc phải tăng theo.

Bên cạnh đó, tất cả các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, máy tính xách tay, hàng điện tử, tiêu dùng, thực phẩm nhập khẩu ... đều tăng. Không chỉ doanh nghiệp méo mặt, mà người tiêu dùng cũng thở dài thườn thượt.

Nhiều chuyên gia bày tỏ, việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỷ giá USD sẽ đưa tỷ giá sát với thực tế và xóa bỏ bất cập trên thị trường ngoại hối nhưng nó cũng kéo theo thách thức lạm phát và khó khăn cho thị trường tiền tệ.  Bởi lẽ, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và củng cố giá trị đồng tiền Việt Nam….

Cho dù, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ mang lại những hy vọng về ổn định cho ngoại hối và lợi thế cho xuất khẩu, tuy nhiên, mối lo thường trực về nhập siêu và lạm phát lại cơ bùng lên hơn nữa, bởi doanh số nhập khẩu của Việt Nam hiện chiếm đến gần 70% GDP. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phục vụ cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Thâm hụt thương mại hàng hóa Việt Nam 2010 lên tới 12.4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu.

Mai Hoa

Đọc thêm