Ẩn tình vụ em tâm thần lấy mạng anh trai

Hơn 10 năm mắc phải căn bệnh tâm thần, dù gia đình đã cố gắng vay mượn khắp nơi chạy chữa nhưng bệnh tình của anh Nguyễn Văn Luân (SN 1972, ngụ ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn không mấy khả quan. Để rồi một lần căn bệnh quái ác tái phát, tinh thần bất ổn, anh đập phá tất cả đồ đạc trong nhà sau đó vung dao cướp mạng anh trai ngay tại chỗ

Hơn 10 năm mắc phải căn bệnh tâm thần, dù gia đình đã cố gắng vay mượn khắp nơi chạy chữa nhưng bệnh tình của anh Nguyễn Văn Luân (SN 1972, ngụ ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn không mấy khả quan. Để rồi một lần căn bệnh quái ác tái phát, tinh thần bất ổn, anh đập phá tất cả đồ đạc trong nhà sau đó vung dao cướp mạng anh trai ngay tại chỗ.

Mẹ già đau đớn khi một lúc mất hai đứa con
Mẹ già đau đớn khi một lúc mất hai đứa con

Hệ lụy từ đói nghèo

Tìm về gia đình anh Luân vào một buổi chiều tắt nắng, lúc này trong nhà chỉ có người mẹ già 82 tuổi và chị gái của anh đang dùng bữa dưới nền nhà. Mâm cơm đạm bạc với thố cơm trắng và đĩa rau luộc. Trong ngôi nhà chỉ vài m2 nhỏ nhoi, không vật dụng nào được nguyên vẹn, từ tấm chiếu, tủ thờ, gương soi đến vách nhà bằng gỗ mỏng, tất cả đều bị hư hỏng và dán tạm bợ bằng băng keo bản to.

Là con trai út trong gia đình nghèo khó có 9 anh chị em, từ khi sinh ra, thể trạng anh Luân vốn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Do không đủ ăn đủ mặc, từ nhỏ cậu bé đã chung cảnh như các anh chị là nghỉ học sớm, đi làm thêm giúp cha mẹ kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống nhọc nhằn cộng với mối tình lỡ dỡ cũng chỉ bởi quá nghèo đã khiến Luân bị sang trấn tâm lý nặng.

Sức khoẻ chàng trai dần suy yếu rồi phát bệnh động kinh, tinh thần không ổn định, nói năng lảm nhảm.

Thấy không bình thường, người mẹ lo lắng, tức tốc dẫn con đi bệnh viện khám thì chết điếng người khi biết con mình đã mắc phải căn bệnh tâm thần quái ác. Bà trở về lấy hết tiền dành dụm, xin thêm một ít tiền của các con, góp lại đưa đứa con này lên Sài Gòn điều trị.

Xuất viện về được nửa năm, bệnh tình lại tái phát, ban đêm không ngủ được, anh chỉ biết ôm đầu nằm rên rỉ, kêu la, co giật. Ban ngày, anh không làm chủ được bản thân, thường xuyên vác dao búa đập nát đồ đạc trong nhà, có lúc còn chạy qua nhà hàng xóm la hét phá phách.

Nhiều lần đi làm vườn về, bà mẹ đã nhìn thấy con mình hai tay và miệng bị trói chặt, ánh mắt lơ láo, bị những người hàng xóm dẫn giải về. “Lòng đau như cắt nhưng biết sao được, mọi người không làm vậy, có khi nó giết người ta mất rồi”, bà nói.

Cơn giận dữ của người điên

Sự việc kinh hoàng cuối cùng đã xảy ra vào ngày 17/12/2012. Trước đó một ngày, căn bệnh của anh Luân bắt đầu tái phát bằng những cơn động kinh.

Người mẹ lại tất tả chạy vạy đầu làng cuối xóm mượn tiền, dự định mai sẽ đưa con đi viện. Thế nhưng thấy nợ cũ còn chưa có khả năng hoàn trả, không một ai đồng ý cho vay nợ mới. Đi đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu, người mẹ buồn bã trở về. Sáng hôm sau, bà đi xa hơn, lại nuôi niềm hi vọng sẽ có người cho vay tiền.

Kế hoạch đi chữa bệnh vậy là bị hoãn lại một ngày, trong nhà chỉ còn lại duy nhất người tâm thần. Luân bắt đầu xuống bếp lấy dao, búa, đập phá vật dụng. Nghe bên nhà có tiếng ồn, biết em mình phát bệnh, người anh ruột ở sát vách là Nguyễn Hữu Trực (SN 1953) tức tốc qua can ngăn.

Nhìn thấy em trai gương mặt ngơ ngáo sắc lạnh, tay búa không ngừng đập vào tủ thờ, người anh gằn giọng la lớn, nhảy vào vịn chặt tay em. Như bình thường, đứa em sẽ cảm thấy sợ hãi, dừng lại ngay mọi hành động; nhưng nào ngờ lần này bị kích động quá lớn, mất kiểm soát, người tâm thần dùng hết sức đẩy anh trai té nhào rồi vung tay liên tiếp.

Trưa hôm đó, trở về nhìn thấy con lớn mình nằm bất động trên nền đất với vũng máu đỏ bầm, còn đứa con tâm thần ngồi co rút trong góc nhà, run lẩy bẩy, người mẹ ngất xỉu ngay tại chỗ.

Chiều tối, anh Luân được công an dẫn giải về cơ quan điều tra, trên gương mặt toát lên sự ngơ ngác, khờ khạo đến quặn lòng người thân. Công an xác định nạn nhân qua đời vì mất máu quá nhiều mà không được cấp cứu kịp thời.

Sau thời gian được điều trị, sức khoẻ người tâm thần đã dần hồi phục, tinh thần đã trở nên minh mẫn. Nhận thức được sự việc mình đã gây ra quá tàn nhẫn, suốt ngày người này chỉ biết khóc lóc, trách móc, tự hành xác mình.

Người mẹ già giàn giụa nước mắt: “Thằng anh đã chết có 3 đứa con đều đã khôn lớn, đi làm hết rồi, đã có thể tự lo cho bản thân, cũng không trách nhiều gì vì tụi nó biết chú bị bệnh”. Bà không biết với bệnh tình như vậy, con bà có bị truy tố trách nhiệm hình sự, hiện vẫn đang chờ kết quả giám định tâm thần.

Hôm xin vào gặp con trong trại giam, bà nghe đứa con nói “không muốn trở về vì không còn mặt mũi gặp ai, chỉ muốn ở trong tù đền tội đã gây ra cho anh”.

“Bản thân tôi nghĩ vậy cũng là cách hay, dù rất thương con nhưng chỉ sợ khi nó ra ngoài, mỗi khi phát bệnh mà trong nhà không còn tiền chạy chữa, nó sẽ tiếp tục đi hại người ta. Lần này là người thân còn dễ, chứ người ngoài, tôi không biết ăn nói sao và lấy tiền đâu đền bù. Mất một lúc hai đứa con, tôi đau lắm, ăn ngủ không yên, đêm nào cũng khóc vì lo nhớ”, người mẹ nghèo nghẹn ngào.

Đỗ Dũng

Đọc thêm