Một lãnh đạo tỉnh đội khăn xếp, mặc áo dài, dẫn đoàn học sinh tham quan trụ sở UBND tỉnh vào ngày 12/6.
Hoạt động này khởi đầu cho kế hoạch đón học sinh, người dân tham quan trụ sở UBND tỉnh, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân. Qua đây, người dân hiểu rõ hơn hoạt động, tổ chức của cơ quan công quyền.
Trong chiếc áo dài màu xanh, vị lãnh đạo tỉnh đã trao đổi với đoàn học sinh tại phòng khách quốc tế, nơi tổ chức các cuộc làm việc quan trọng, tiếp khách quốc tế, lãnh đạo cấp cao. Ông khẳng định, mục tiêu xuyên suốt tỉnh đang tập trung thực hiện là xây dựng một xứ sở hạnh phúc, ở đó cuộc sống người dân sung túc, xã hội bình yên và chính quyền thân thiện.
Tỉnh xác định giáo dục là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT, tỉnh hướng đến giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế. Mục tiêu là để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế tự hào về vùng đất, có lòng biết ơn, vị tha, làm hành trang vào đời.
"Học sinh Huế không chỉ phải học giỏi mà phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, yêu và khát khao cống hiến cho Huế. Huế từng sang trọng trong quá khứ và phải giàu có trong hiện tại, tương lai, phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa", vị cán bộ này nhắn nhủ học sinh.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh này cũng đã đồng ý để Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục dạy môn nữ công gia chánh từ năm 2021-2022. Nhà trường sẽ sưu tầm tài liệu để phối hợp với chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực dạy cho nữ sinh. Mục tiêu là sau khi rời trường phổ thông, học sinh biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn gia đình. Cũng qua môn nữ công gia chánh, học sinh được dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.
“Nét tinh túy của Huế là bữa ăn ngon, đoàn tụ các thành viên trong gia đình mỗi ngày. Nhưng hiện nay nhiều gia đình vì bận rộn với công việc, không đủ thời gian nấu ăn nên không duy trì bữa cơm gia đình hàng ngày. Những ông bố, bà mẹ ham với công việc, suốt ngày chỉ ăn cơm hộp, ăn tại các căng tin thì làm sao dạy con cái nấu ăn? Đó là chưa kể các kỹ năng sống khác. Vậy nhà trường sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng nấu ăn, kỹ năng sống cần có. Tôi hy vọng môn học nữ công gia chánh sẽ giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng cơ bản mà cuộc sống bình thường cần có”, một lãnh đạo tỉnh từng nói.
Hạnh phúc và thành công trong cuộc sống, rất nhiều khi không phải là những chuyện dời non lấp biển, những vấn đề đao to búa lớn… Hạnh phúc, niềm vui có khi chỉ cần đong đếm bằng những chuyện tưởng chừng rất “nhỏ”, như một bữa cơm gia đình đầm ấm, một lời nói nhẹ nhàng, một động thái quan tâm, quan điểm không đua chen, và có những lúc phải “sống chậm”… Nghe và chứng kiến những quan điểm, những động thái mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã và đang làm, tin rằng cố đô sẽ sớm đạt đến mục tiêu “xứ sở hạnh phúc, cuộc sống người dân sung túc, xã hội bình yên và chính quyền thân thiện”.