Antifan và hội chứng đám đông

(PLVN) - Thời 4.0 với sự phát triển vượt bậc của các mạng xã hội, những người nổi tiếng có nhiều người theo dõi gần gũi, đời thường hơn với công chúng, các hợp đồng quảng cáo dễ dàng hơn... Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi, khi mà ngoài các fan hâm mộ là các antifan đông đảo, hung hãn và gây ra những hậu quả khó lường với người nổi tiếng. Gần đây nhất, ca sỹ Thủy Tiên, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đã từng trầm cảm bởi hội chứng đám đông này… 
Nhóm anti ca sĩ Hương Giang trên Facebook.  (Ảnh minh họa).
Nhóm anti ca sĩ Hương Giang trên Facebook. (Ảnh minh họa).

Sao quả tạ từ trên trời rơi xuống

Một hai tuần, cộng đồng mạng lại ồn ào dậy sóng để “ném đá” không thương tiếc một người, sự việc nào đó. Cơn bão ấy bất chấp mọi lời giải thích, mọi việc làm tốt đẹp, sự xỉa xói và hung hãn trước những câu chuyện trời ơi tựa như hạ nhục, ném đá thời trung cổ. Với người nổi tiếng, đó là những antifan, là một nhóm người có định kiến hay thậm chí là ghét bỏ một người nổi tiếng nào đó, trái ngược với các fan hâm mộ. Họ thường xuyên chê bai, tẩy chay hay dùng lời lẽ để xúc phạm, lăng mạ người nổi tiếng vì bất cứ lý do, hoàn cảnh nào. Không ít nghệ sỹ showbiz Việt phải điêu đứng cả sự nghiệp chỉ vì antifan. Đơn cử vừa qua là ca sĩ, hoa hậu Chuyển giới Quốc tế năm 2018- Hương Giang. Gần như cô đang chiếm sóng dày đặc các show truyền hình, thảm hồng bỗng chốc tan biến vào khoảng cuối tháng 10 năm nay khi hàng loạt các nhóm anti cô xuất hiện trên Facebook. Cô bị cộng đồng antifan đặt cho những cái tên không mấy yêu thương và bị chỉ trích vì họ cho rằng cô sống giả dối, hay nói đạo lý,… Nàng hậu phải hứng chịu làn sóng chỉ trích, tẩy chay dữ dội của dư luận. Điều này đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và công việc của cô. 

 Giang đã đứng ra giải quyết antifan nhưng trái với dự đoán, cô phải đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội hơn trước. Theo đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân cho biết, Hương Giang là trường hợp đầu tiên của showbiz “dính phốt” mà không có đồng nghiệp nào đứng ra bênh vực. Lần đầu tiên trong showbiz Việt có nghệ sĩ phải tuyên bố tạm dừng hoạt động nghệ thuật vì không nhận được sự chào đón của khán giả và sự quay lưng của nhãn hàng, của các đối tác, của báo chí truyền thông. Cho đến thời điểm hiện tại, đã 1 tháng trôi qua, Hương Giang vẫn chưa ổn định được tinh thần, những hình ảnh cô gầy rộc, thiếu sức sống được chụp lại khiến các fan không khỏi xót thương.

Vừa qua, Thủy Tiên đã kết thúc hành trình đi cứu trợ miền Trung bằng việc đăng tải bản sao kê của Ngân hàng về việc sử dụng số tiền gần 178 tỷ tiền kêu gọi quyên góp, đi kèm thông kê viết tay và xác nhận, thư cảm ơn từ địa phương. Vốn dĩ trong quá trình đi cứu trợ miền Trung, bên cạnh những lời khen ngợi, Thủy Tiên còn phải vướng vào chỉ trích khi nhiều người không đồng ý cách thức mà nữ ca sĩ phân phối tiền và quà cứu trợ. Thậm chí, những người ghét Thủy Tiên còn lập ra nhiều nhóm anti nữ ca sĩ.

Vì vậy mà bản sao kê của Thủy Tiên vừa công khai tiếp tục trở thành chủ đề tiếp theo bị antifan cũng như cư dân mạng mang ra “mổ xẻ”, tìm ra những điểm “vô lý”. Dù ở thời điểm hiện tại, Thủy Tiên đã quay trở lại với cuộc sống bình thường, ra mắt MV mới nhưng dường như một số bộ phận cư dân mạng vẫn chưa thể bỏ qua cho nữ ca sĩ khi tiếp tục có những chất vấn về quá trình sao kê số tiền đi từ thiện. 

Trước luồng dư luận cho rằng có sự mập mờ trong việc Thủy Tiên giải ngân “chóng vánh” gần 180 tỷ đồng tiền cứu trợ cho 7 tỉnh lũ lụt ở miền Trung, mới đây, cô đã trưng ra những số liệu thống kê nhằm minh bạch thông tin. Theo đó, Thủy Tiên cho biết, số tiền hơn 178 tỷ đồng được cô trao tận tay cho 61.532 hộ dân và dùng để xây 3 cầu dân sinh, 175 căn nhà mới, 10 nhà cộng đồng tránh bão lũ, 10 xuồng máy cứu hộ. cũng khẳng định, toàn bộ số tiền trong tài khoản khi giải ngân đều có giấy xác nhận kèm dấu đỏ của chính quyền địa phương và cô sẵn sàng đăng tải lên fanpage chính thức để chứng minh.

Tuy nhiên, ngay sau khi Thủy Tiên đăng tải bản giải trình chi tiết nguồn thu chi kèm theo 8 biên bản xác nhận của chính quyền địa phương, cư dân mạng tiếp tục “soi” vào các số liệu và chỉ ra những điều chưa hợp lý, không đúng với chuẩn mực kế toán. Chẳng hạn, biên bản xác nhận của UBMTTQ xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế, thì khoản tiền bằng số lại không khớp với số tiền ghi bằng chữ… Ngoài ra, tất cả các giấy xác nhận đều ghi “ca sĩ Thủy Tiên” thay vì nguyên tắc phải định danh là Trần Thị Thủy Tiên kèm số CMND...”. 

Và sự “phân tích” này không những không nhận được sự đồng tình của cư dân mạng mà thậm chí còn khiến nhiều người phẫn nộ khi cho rằng hành động liên tục soi mói, nghi ngờ và chất vấn Thủy Tiên là điều quá tệ. Trong khi cô đã không quản hiểm nguy đi vào tâm bão lũ, trao tận tay đồng bào, bà con khi cơ cực. Chưa kể, gia đình cô cũng tự nguyện giúp đỡ bà con số tiền gần 4 tỷ đồng, bỏ lại cuộc sống nhung lụa phía sau để vừa bị thiệt hại hợp đồng công việc, vừa bị chửi rủa, liệu có đáng? Tủy Tiên chia sẻ, nhiều lúc cô muốn dừng lại, nhiều lúc cô trầm cảm, cả đêm khóc ròng vì cực nhọc, vậy mà antifan vẫn không buông tha…

Đáng mừng là trên mạng xã hội, không chỉ có những antifan mà vẫn có những người phê phán những hành động xấu xí kia và ủng hộ các nghệ sĩ. Theo đó, bạn đọc N.V.Đ (28 tuổi. Hà Nội) thẳng thắn: “Có thể Thuỷ Tiên có mắc phải sai sót khi thực hiện cứu trợ, nhưng mọi người có thể thông cảm cho cô ấy bởi trong khi mọi người vẫn đang nằm nhà đắp chăn thì cô gái nhỏ bé ấy đã xung phong ra vùng tâm bão để cứu trợ mọi người. Các bạn antifan không có quyền phán xét hay định tội bởi nếu như có gì sai sót thì các cơ quan địa phương, ban ngành sẽ giải quyết. Đừng làm cho một việc tốt vốn dĩ được hoan nghênh lại thành đáng chê trách. Như vậy về sau liệu có ai dám đi làm từ thiện nữa?”…

Hình ảnh ca sĩ Goo Hara livestream khóc nức nở.
Hình ảnh ca sĩ Goo Hara livestream khóc nức nở.

“Người phán xử” online hay kẻ bắt nạt qua mạng?

Có thể nói, trước những cơn bão sát thương của antifan, nếu các nghệ sỹ không vững vàng rất có thể dẫn tới những kết thúc đau lòng. Ở Hàn Quốc, nơi mà các nghệ sĩ chịu áp lực từ dư luận và antifan nhiều nhất và cũng có nhiều cái chết vì trầm cảm của các nghệ sỹ suốt nhiều năm qua. Vốn là đất nước nổi tiếng khắp thế giới nhờ K-Pop và đây cũng chính là thế giới ngầm đáng sợ của các nghệ sĩ. Năm 2019 là một năm tồi tệ với các fan hâm mộ xứ sở Kim Chi bởi sự ra đi mãi mãi của hai nữ ca sĩ Sulli và Goo Hara – hai nguời bạn thân. Nữ ca sĩ Sulli được phát hiện tự tử tại nhà riêng trước, sau đó 6 tuần là sự ra đi của Goo Hara cũng do tự tử.

 Điều đáng buồn là trước khi ra đi vài ngày, nữ ca sĩ Goo Hara còn livestream khóc nức nở và xin lỗi bạn thân của mình, dẫu Sulli khiến dân mạng lo lắng cho tình trạng của cô nhưng mọi thứ cũng đã muộn. Cả hai nghệ sĩ này đều từng bị antifan tấn công trên mạng suốt một thời gian dài và phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Theo lời của khán giả chia sẻ về sự việc trên: “Thật sự nhìn lại những năm gần đây thì idol đã phải chịu áp lực nhiều như thế nào từ anti-fan, từ công ty chủ quản, từ công việc các thứ dẫn đến kết liễu mình khi còn trẻ. Lời cảnh tỉnh cho mạng xã hội, hãy nhẹ nhàng với các nghệ sĩ. Họ cũng là con người, đâu phải lúc nào cũng đứng vững”. Đây chính là những vết sẹo có thật do antifan gây ra, chỉ vì những lời nói gây tổn thương mà có người đã phải ra đi mãi mãi…

Việc các nghệ sĩ có antifan không phải chuyện ngày một ngày hai. Các cộng đồng này đã xuất hiện từ rất lâu và hầu như người nổi tiếng nào cũng có antifan. Ngày nay với sự lên ngôi của mạng xã hội, khi mà con người giao tiếp với nhau chủ yếu qua “bàn phím” thì mới thấy rõ được sức công phá mạnh mẽ của chúng. 

Đặc điểm của các antifan thời 4.0 này chính là rất đông đảo và hung hãn. Các hội nhóm này có sức thu hút rất khủng khiếp, có những nhóm chỉ sau 3 ngày thành lập đã có đến 100.000 thành viên. Bên cạnh những antifan “chân chính”, nhiều người dù không phải antifan cũng nhanh chân vào nhóm, vào vì tò mò, vì muốn hóng hớt. Tại những hội nhóm này, những hình ảnh, phát ngôn,… của người nổi tiếng được đưa ra bình phẩm, phân tích hết sức tỉ mỉ nhưng đều ở khía cạnh tiêu cực. Quá đáng hơn khi có 1001 câu chuyện được thêu dệt nên, bao nhiêu phần trăm đúng thì chưa biết chỉ biết là toàn là những câu chuyện không tốt về nghệ sĩ. Còn các antifan thì cứ thay phiên nhau nói xấu, bóc phốt, sỉ nhục và lăng mạ người nổi tiếng trong nhóm cộng đồng của riêng mình.

Dường như các antifan luôn tự cho rằng mình là người phán xử online, đại diện cho những điều đúng đắn để phán xét và đánh giá người nổi tiếng. Họ tự xây dựng những lí lẽ, tiêu chuẩn của riêng mình và áp đặt lên các nghệ sĩ. Họ tự cho mình quyền định tội và trừng phạt các nghệ sĩ như yêu cầu giải nghệ, lên tiếng xin lỗi,… 

Trên thực tế, có rất nhiều người nổi tiếng bị tấn công bởi antifan dưới nhiều hình thức khác nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, sự nghiệp, cuộc sống,.. của nghệ sĩ. Các antifan thời nay luôn cậy mình núp sau màn hình máy tính nên ngày càng hung hãn. Nhưng rõ ràng những antifan không nhất thiết phải dồn các nghệ sĩ đến bước đường cùng. Tại sao chúng ta phải căm ghét những khác biệt, những gì không giống bản thân mình! Tất nhiên, người nghệ sỹ là người của công chúng, họ luôn phải giữ hình ảnh đẹp, nhưng không ai có quyền chà đạp và nhục mạ nhân phẩm của người khác! Cũng như, mỗi chúng ta không có quyền soi mói hay phán xét cuộc sống của người khác, nếu như những điều đó chỉ là cá tính riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội!…

 Và phía sau mỗi hình ảnh trên facebook là một con người bằng xương, bằng thịt, ai cũng có đủ những mặn ngọt, cay đắng của cuộc đời! Cuộc sống sẽ đáng buồn biết bao, nếu chúng ta chỉ lăm le đi “bới lông tìm vết”, chúng ta chỉ nhìn thấy những tiêu cực, những điều xấu trong cuộc sống đa sắc màu…