Mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử
Thực hiện Luật Quản lý thuế và Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia Việt Nam đến năm 2030, ngày 21/11/2021, Bộ Tài chính đã công bố triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định. Các địa phương này chiếm khoảng 60% lượng DN và khoảng 70% HĐĐT của cả nước.
Đồng thời, Bộ chuẩn bị để triển khai HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố còn lại để đến trước ngày 1/7/2022, đảm bảo bao phủ HĐĐT trên toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.
Đến ngày 31/3/2022, toàn bộ các tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT (TP HCM là 221.873, Hà Nội là 176.960, Hải Phòng là 18.927, Quảng Ninh là 10.044, Bình Định là 7.842 và Phú Thọ là 6.181). Toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã sử dụng HĐĐT (Hà Nội là 9.233, TP HCM là 6.428, Quảng Ninh là 2.064, Phú Thọ là 1.133, Bình Định là 937 và Hải Phòng là 885).
Cơ quan thuế (CQT) đã tiếp nhận xử lý trên 58 triệu hóa đơn, trong đó có 44 triệu hóa đơn có mã đã gửi CQT. Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến CQT là trên 5,5 triệu hóa đơn. Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến CQT là 8,6 triệu hóa đơn.
Theo Tổng cục Thuế, ở thời điểm cao điểm ngày 20/4, hệ thống HĐĐT thực hiện tới 1,7 triệu giao dịch trong 1 phút, như vậy chỉ mất khoảng 0,01 giây cho 1 giao dịch cấp mã hóa đơn, tức là mã hóa đơn được cấp ngay sau khi người nộp thuế gửi yêu cầu.
Tổng cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thành công trong triển khai HĐĐT giai đoạn 1 là nền tảng, tiền đề quan trọng để triển khai thực hiện giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính bao phủ toàn diện của HĐĐT. Đồng thời yêu cầu CQT các cấp cần quán triệt đến toàn hệ thống thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người dân, DN chuyển sang áp dụng HĐĐT, đảm bảo đến trước ngày 1/7/2022, toàn bộ DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT.
"Mũi tên trúng nhiều đích"
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Lễ công bố kích hoạt toàn quốc hệ thống HĐĐT là dấu mốc quan trọng thúc đẩy tiến trình CĐS không chỉ của ngành Thuế mà còn với hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, DN, người dân.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. |
“Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của ngành Thuế trong tiến trình đẩy mạnh CĐS quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phân tích, thuế là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, DN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong lĩnh vực này mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cũng như cho người dân, DN, không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, mà còn tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt đánh giá cao nỗ lực triển khai HĐĐT của ngành tài chính với kế hoạch bài bản, khoa học theo 2 giai đoạn. Đây là công việc mới với khối lượng lớn, triển khai trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc thay đổi tư duy, phương thức quản lý, thực hiện. Nhưng ngành tài chính đã bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội và đạt được những kế quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, việc sử dụng mã số HĐĐT để tổ chức quay thưởng, trao thưởng là cách làm rất sáng tạo.
“Kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai áp dụng HĐĐT là “mũi tên trúng nhiều đích”, góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của CQT cũng như của người dân, DN theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp xu hướng quốc tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, người đứng đầu Chính phủ đã thắng thắn chỉ ra công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS ngành Thuế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Chưa có chiến lược CĐS rõ ràng; Thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là CNTT; Chưa được đầu tư bài bản, phù hợp với thực tế phát triển, nhất là về hạ tầng công nghệ; Sự thích ứng của một bộ phận người dân, DN và cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế; Công tác tuyên truyền, vận động người dân, DN tham gia tích cực, hiệu quả vào CĐS chưa được coi trọng đúng tầm…
Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn tới, ngành Thuế cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công bằng, hiệu quả, có tính ổn định cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030. Hệ thống thuế phải vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, củng cố niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội và quá trình CĐS.
Thủ tướng gợi ý 5 nền tảng cơ bản của ngành Thuế: Thể chế quản lý thuế tiếp tục được hoàn thiện, minh bạch, hiện đại phù hợp thực tiễn; Thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế; Ứng dụng CNTT hiện đại, có tính liên thông, tự động hóa cao, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin ở mức cao nhất; Xây dựng ngành Thuế chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả, chống tham nhũng, tiêu cực; Phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả, nâng cao tính chủ đạo của Trung ương, chủ động của địa phương, đi đôi với xây dựng công cụ kiểm tra, giám sát hiệu quả.
Đồng thời yêu cầu ngành Thuế tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia…
Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng lưu ý ngành Thuế phải tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS và vận động người dân, DN tích cực tham gia vào quá trình CĐS.