Đơn giản hóa nhiều trình tự, thủ tục
Thời gian qua, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả quan trọng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập khiến thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho DN.
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án với mục tiêu cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của DN trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, người tiêu dùng.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan Hải quan. Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.
Cụ thể, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt do cơ quan Hải quan thực hiện cắt giảm 3 bước thủ tục so với Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện. Với mô hình mới, DN chỉ phải đăng ký kiểm tra chất lượng với cơ quan hải quan, lựa chọn tổ chức giám định và thông báo cho cơ quan hải quan, thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt chất lượng.
Hay trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra thông thường do cơ quan Hải quan thực hiện cắt giảm 2 bước thủ tục so với cơ quan được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định thực hiện. Theo mô hình mới, DN chỉ phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm với cơ quan hải quan và thông quan hàng hóa nếu hàng hóa đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Triển khai rộng rãi mô hình mới
Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, mô hình kiểm tra mới được đưa ra trong Đề án sẽ giúp giảm khoảng 54,4% số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm; giảm gần 2,5 triệu tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, tính toán của Dự án cũng cho biết chi phí tiết kiệm được cho DN trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng. Còn đối với cả nền kinh tế, mô hình mới sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại với giá trị tiết kiệm ước tính lên đến 9.285 tỷ đồng mỗi năm.
Trả lời một số câu hỏi liên quan đến Đề án tại buổi họp báo mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, mô hình kiểm tra mới không phải là thí điểm mà sẽ áp dụng đối với tất cả các loại hàng hóa, trừ một số loại mà Đề án quy định chi tiết.
Theo đó, Đề án loại trừ hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa; hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; hàng hóa thuộc Danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan.
Ông Cẩn cũng khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn hóa các đơn vị kiểm định, đồng thời áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo không chồng chéo trong kiểm tra chất lượng của cơ quan nhà nước và tự chứng nhận của DN.
Đặc biệt, Đề án chia thành 2 giai đoạn với đích đến quan trọng là thống nhất cơ quan Hải quan làm đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.Việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan chính là xu hướng quốc tế, góp phần giúp hội nhập tốt hơn, tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, góp phần nâng hạng xếp hạng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.