Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017 nhấn mạnh về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế toàn cầu. Dẫn báo cáo Viễn cảnh Kinh tế thế giới mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Sơn cho biết, triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn mạnh nhất thế giới, với động lực tăng trưởng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Sơn cũng lưu ý về những thách thức đang hiện hữu ảnh hưởng tới khả năng phát triển bền vững của các nền kinh tế khu vực. “Điều này đòi hỏi các nền kinh tế cần tăng cường hợp tác đa phương cũng như có những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy cải cách cơ cấu và phát triển bền vững, bao trùm”, Thứ trưởng Sơn nhận định.
Theo Chủ tịch SOM APEC Việt Nam 2017, SOM2 và các cuộc họp liên quan, đặc biệt là cuộc họp SOM trong các ngày 17 và 18 là rất quan trọng để triển khai thực hiện các ưu tiên đã được thông qua, thúc đẩy các sáng kiến mới, chuẩn bị cho Cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại (MRT) và định hình chương trình nghị sự cho Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.
Ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Chủ tịch SOM - cho biết, Hội nghị SOM đang diễn ra sẽ thảo luận về tất cả các ưu tiên đã được thông qua tại hội nghị SOM 1 diễn ra tại Nha Trang hồi tháng 3 vừa qua, bao gồm tăng trưởng, liên kết khu vực; thúc đẩy doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. “Nội dung được quan tâm thảo luận nhiều nhất trong phiên làm việc sáng 17/5 là các giải pháp ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, ủng hộ WTO tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các thoả thuận liên quan đến việc xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”, ông Hùng cho hay.
Cũng trong ngày 17/5, bên lề Hội nghị các quan chức cấp cao tài chính APEC (SFOM), tại Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... tổ chức hội thảo “Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng”. Hội thảo tập trung bàn về tổng quan về đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC; về một số vấn đề liên quan đến hình thức đối tác công - tư (PPP); đa dạng hóa nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng, đồng thời đề xuất một số giải pháp đầu tư lâu dài về cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh những năm gần đây nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hình thức PPP tại Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC ngày càng được quan tâm, đặc biệt là khi áp lực chi tiêu công ngày càng lớn khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trở thành mối quan ngại.