Ba câu hỏi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng qua, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải nói là hội nghị rất quan trọng.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 3 câu hỏi: (1) Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? (2) Những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? (3) Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Chắc chắn, ai cũng trả lời câu hỏi bằng việc khẳng định vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng. Không xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm sao Đảng mạnh, làm sao đất nước giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX? Thành tựu của thời kỳ đổi mới, đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay cũng nhờ sự lãnh đạo của Đảng.

Không ai phủ nhận được điều đó.

Đáng tiếc là, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng còn những hạn chế, khuyết điểm. Dễ nhận ra khi còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Thứ đến, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn.

Không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự.

Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm; hoạt động giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Liệu những quy định mới của Trung ương có trở thành “biệt dược” giúp chúng ta phòng chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị? Liệu trước sự cám dỗ về vật chất, cán bộ, đảng viên có dám “tự phê bình” mình trước khi được “phê bình” trong tổ chức Đảng?

Chắc chắn ngoài những cái “lồng cơ chế” của Đảng, “lồng luật pháp”, việc tu dưỡng, rèn luyện, đấu tranh với chính mình vẫn là mấu chốt.

Đọc thêm