Cuộc thi này là một trong nhiều hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại Việt Nam.
Vượt qua chính mình để giành giải
Giành được Giải Nhất cuộc thi bộ ba chàng trai thế hệ Gen Z chia sẻ rằng phần thưởng này quá bất ngờ đối với họ. Đối với Lê Đặng Kiên, Bùi Thế Đạt và Lê Trọng Phước thuộc đội BK - AUTO đều học ngành kĩ thuật ô tô, đến từ Khoa Cơ khí động lực, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. Giải Nhất cuộc thi là món quà đặc biệt với họ.
Lê Đặng Kiên - Đội trưởng của đội BK – AUTO bày tỏ sau khi biết đội mình giành được giải Nhất: “Đây là lần đầu chúng em tham gia một cuộc thi tầm cỡ và quy mô thế này. Chúng em rất vui, rất bất ngờ khi được trao Giải Nhất. Sau cuộc thi này, chúng em sẽ tạo ra câu lạc bộ tranh biện về giao thông xanh để cùng với nhau tranh biện, để cùng nhau trao đổi thông tin mới nhất, có góc nhìn mới mẻ hơn về lĩnh vực này. Tham gia cuộc thi, ngoài việc đạt giải thưởng, chúng em còn nhận được rất nhiều thứ hơn thế, đó là sự động viên, cổ vũ của bạn bè, gia đình và từ nay, em có thể tự tin nói trước đám đông, điều mà trước đây, em chưa làm được”.
Đặng Kiên chia sẻ rằng đội của Kiên thực tế ban đầu không biết đến cuộc thi này. Tuy nhiên có thầy giảng viên hướng dẫn là PGS - TS Đàm Hoàng Phúc biết và giới thiệu, giao cho Kiên lập đội đi thi. Mục đích là tham gia một sân chơi mới, đi để học hỏi xem đội các bạn thi như nào, chuẩn bị như thế nào.
“Về việc lọt top 1 miền Bắc và giành giải nhất Vòng chung kết, tất nhiên là kết quả rất bất ngờ đối với một đội lần đầu tham gia một cuộc thi tranh biện và có quy mô như Tranh biện Giao thông xanh. Tuy nhiên, em nghĩ là nó khá là xứng đáng khi cả đội đã tận dụng tốt khoảng thời gian chuẩn bị nội dung, cho dù thời gian này là không nhiều, ban tổ chức cho trước luận đề khoảng 7 ngày trước cuộc thi.
Bọn em vướng lịch thi cuối kỳ nên chỉ có khoảng 3 ngày để chuẩn bị cho mỗi cuộc thi. Tuy có hơi bỡ ngỡ và có chút run khi tham gia nhưng bằng kiến thức và nội dung đã chuẩn bị thì đội em đã hoàn thành khá tốt phần thi của mình và mang được màu sắc rất riêng trong danh sách các đội thi tham gia” - Đặng Kiên cho biết.
Team BK - AUTO Đại học Bách khoa Hà Nội có hai bạn sinh viên năm 4 là Đặng Kiên và Thế Đạt, còn lại Trọng Phước đang là sinh viên năm thứ hai. Cả ba đều là sinh viên theo ngành ô tô, có những kiến thức nền tảng của kĩ thuật ô tô nhưng lại chưa hề có kinh nghiệm tham gia một cuộc thi tranh biện, đặc biệt là với quy mô như cuộc thi vừa rồi. Tuy nhiên, cả ba đều có chung một mục tiêu và có hiệu suất làm việc rất tốt trong công tác chuẩn bị cho cuộc thi.
BK AUTO là nhóm thi duy nhất “show” nghiên cứu của thầy giáo mình trước toàn thể Ban Giám khảo, làm “chỗ dựa” cho những luận cứ, tranh biện của mình. Nghiên cứu mang tên: "So sánh tính kinh tế và môi trường của xe truyền thống với các loại nhiên liện thay thế" của PGS. Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và xe chuyên dụng. Có lẽ điều đó đã tạo ra bất ngờ với đối thủ, đồng thời gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo, góp phần giúp đội thi giành giải cao nhất.
Nói về về kế hoạch tương lai, Trưởng nhóm Đặng Kiên chia sẻ: “Bọn em cũng đã xin phép các thầy để có thể tổ chức một cuộc thi tranh biện ở quy mô nội bộ phòng nghiên cứu và ở cấp câu lạc bộ. Mục tiêu là để mang không khí cuộc thi đến cho các bạn sinh viên khóa sau, chọn lọc ra các bạn tốt nhất để chuẩn bị cho mùa hai của cuộc thi.
Ngoài ra cả chúng em đều là thành viên của CLB BK-AUTO, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và là thành viên của LAB (phòng thí nghiệm) nghiên cứu của PGS-TS Đàm Hoàng Phúc và TS Lê Văn Nghĩa. Bọn em sẽ tiếp tục sinh hoạt và làm việc, tham gia nghiên cứu cùng các thầy về vấn đề xe thông minh, xe Hybrid, xe điện tại trường để làm tiền đề cho tương lai xa hơn”.
BK AUTO rất gây ấn tượng
Đó là nhận định của ông Đào Xuân Lai – Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường – UNDP tại Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi. Chia sẻ với Trang điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Lai cho biết, các sinh viên năng động Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây ấn tượng rất mạnh.
Theo đánh giá của ông Lai, 6 đội vào vòng chung kết được chọn từ 21 trường đại học, đã qua vòng sơ khảo, tranh biện trực tiếp Bắc – Trung – Nam. Các em nắm vấn đề rất tốt, ngoài lý thuyết được học trong trường, các em còn có liên kết với các vấn đề xã hội, liên kết với thực tiễn, thị trường cũng như các vấn đề quốc tế liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, cam kết của Việt Nam với quốc tế... Riêng đội thi các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội rất có chiều sâu về chuyên môn khi đều học chuyên ngành về ô tô, hai thành viên trong đội là sinh viên năm thứ 4. Cùng đó, các em có sự tìm tòi, liên hệ rất tốt với các vấn đề xã hội, những ví dụ thực tiễn ở Việt Nam và thế giới. Đội BK AUTO thể hiện khá tốt trong lần thi này, giành giải Nhất rất xứng đáng.
|
Được biết, mở đầu phần thi của mình, đội BK AUTO nhắc đến một nghiên cứu mới của PGS. Đàm Hoàng Phúc – thầy giáo hướng dẫn các em, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều thành viên BGK. Về vấn đề này, ông Lai cho biết: “Tôi rất quan tâm nội dung này. Bởi những đánh giá mang tính chất khoa học như thế rất quý. Chúng ta cần có những nghiên cứu, những thông điệp như thế để có những minh chứng, cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ về độ bền, về các loại nhiên liệu, về ảnh hưởng môi trường, chi phí khi phát triển ra thị trường… Tất cả những nghiên cứu như thế đều rất quý giá. Đội thi BK AUTO đã tận dụng được những kiến thức, những thông tin như vậy để đưa ra thảo luận rất “đắt”.
Cũng theo ông Lai, cuộc thi mang tính chất truyền thông điệp, các em sử dụng những kiến thức, thông tin sẵn có chứ không đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nghiên cứu. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức, trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức sâu rộng hơn về xe điện, công nghệ, thị trường. Các bạn có cơ hội thể hiện tài năng trong tranh biện, mỗi người bổ sung cho nhau về kiến thức, kỹ năng. Về lâu dài, giao thông xanh, giao thông điện là tất yếu, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn. Mục đích chính của cuộc thi là tạo động lực, định hướng để các em phát triển ngành/nghề trong tương lai. Dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” sẽ tiếp tục trong 1 năm nữa. Sẽ có những cuộc thi, những tranh biện/sáng kiến/công việc cụ thể… tạo điều kiện cho các em sinh viên tham gia. Và không chỉ có UNDP, rất nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam triển khai các dự án liên quan đến vấn đề này, cơ hội rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất là cơ hội tương lai, khi từ những hiểu biết, đam mê này, các sinh viên có thể khởi nghiệp, nghiên cứu sâu hơn về một ngành kinh tế mới có nhiều cơ hội phát triển về công nghệ, về kinh tế. Đó mới là động lực lâu dài.
“Thanh niên sẽ là những người chủ của đất nước trong tương lai. Thanh niên cũng chính là những người sẽ hình thành tiêu dùng trách nhiệm, tạo ra thị trường mới góp phần phát triển đất nước xanh và bền vững. Chúng ta cần khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên, thế hệ trẻ tham gia, đóng góp ý kiến, khởi nghiệp và lan tỏa thông điệp về giao thông xanh”, ông Đào Xuân Lai nhấn mạnh.
Theo ông Trần Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) để định hướng cho ngành Giao thông Vận tải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 876, trong đó quy định lộ trình chuyển đổi sang xe điện đối với xe buýt, xe taxi và giao UBND các tỉnh, thành phố thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông cá nhân sử dụng điện. Theo lộ trình, các phương tiện giao thông công cộng sẽ được chuyển dần sang xe điện. Đến năm 2025 là toàn bộ xe buýt và 2030 là toàn bộ xe taxi.