Bà Thanh Tuyền là chị cả của 3 đứa em trai trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên dòng sông Tiền thuộc xã Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau khi lập gia đình và có được 2 đứa con, do gia cảnh khó khăn, vợ chồng bà Tuyền dắt dìu con cái vào tận Khu Tư nằm giữa vùng đất trung tâm Đồng Tháp Mười của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để làm ăn kiếm sống và lập nghiệp. Bà Thanh Tuyền kể:
“Vô đây năm 1991. Lúc đó, vợ chồng tui vô ở đậu đất Nhà nước ở cạnh bên cây cầu dây văng bắc ngang kênh Đồng Tiến, khổ thấy mồ! Mới vô cất trại cây để làm. Đi mua từ lóng gỗ của người ta đem về bán lẻ, cắc ca, cắc củm được đâu mười mấy năm thì tai họa ập xuống. Chồng mất, để lại cho tui nuôi dạy 5 đứa con nhỏ dại.
Nén nỗi khổ đau, tui lao vào công việc, vừa đảm trách bổn phận làm cha - vừa làm mẹ, vất vả, cực nhọc lắm. Năm tháng trôi qua, tui cần mẫn thay chồng nuôi dạy các con ăn học nên người. Sau này làm có tiền mới mua đất bên khóm 3 để làm nên Trại cưa xẻ gỗ Thành Công như ngày hôm nay”.
Không chỉ chuyên kinh doanh các loại gỗ Châm, Cà Chất, Dẻ, Thao Lao, gỗ tạp… nguyên lóng và cưa xẻ gỗ theo quy cách, Trại cưa xẻ gỗ Thành Công còn mua bán các loại vật liệu trong xây dựng nhà cửa. Nhờ đặt uy tín lên hàng đầu trong kinh doanh, chất lượng hàng hóa tốt, cung cách phục vụ tận tâm và bán giá rất phù hợp… nên Trại cưa xẻ gỗ Thành Công của bà chủ Phạm Thị Thanh Tuyền luôn là địa chỉ tin cậy được nhiều người tìm đến mua về sử dụng.
Xưởng cưa xẻ gỗ Thành Công |
Ông Nguyễn Văn Trung ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông cho biết: “Tôi là khách hàng quen thuộc của Trại cưa xẻ gỗ Thành Công hơn chục năm qua. Tôi thấy, bà chủ Trại cưa này mua bán rất uy tín và vui vẻ, giá cả các loại gỗ bà bán rất phải chăng và chở hàng hóa đến tận nơi theo yêu cầu của khách hàng. Tôi mua gỗ ở đây, nếu có dư một vài tấc bà chủ Trại cũng không tính thêm tiền mà còn được đãi cà phê, thuốc lá nữa…”
Theo bà Thanh Tuyền cho biết, hằng năm vào các tháng 3, 4 và 7 là thời điểm bán gỗ xây cất nhà cao nhất. Doanh thu của những tháng nêu trên lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều năm nay, Trại cưa xẻ gỗ Thành Công tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng và được bà Tuyền bao ăn một buổi cơm trưa, mua tặng Bảo hiểm tai nạn dài hạn…
Hai đứa con lớn của bà Tuyền đã lập gia đình riêng; hai đứa con trai kế nối nghề của mẹ mở đại lý bán vật liệu xây dựng ngay chợ Khu 10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông… Hơn 3 năm trước đây, bà Thanh Tuyền đã xuất hơn 5 tỷ đồng mua lại Khách sạn Hoàng Gia, với 14 phòng đầy đủ tiện nghi ở cách Khu Du lịch Vườn Quốc gia Tràm Chim chưa đầy 2km để cho đưa con gái kinh doanh. Trung bình mỗi ngày, Khách sạn Hoàng Gia có doanh thu trên dưới 3 triệu đồng. Vào những ngày Lễ, Tết… doanh thu của Khách sạn Hoàng Gia tăng lên trên 5 triệu đồng/ngày.
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, bà Phạm Thị Thanh Tuyền còn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật để phát triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và chuyên tâm giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh… bằng những việc làm nhân ái, thiện tâm.
Nhiều năm qua, bà Tuyền đã tự nguyện xuất tiền-của, vật chất… của gia đình mình thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương như: đóng góp tiền, gạo cho các tổ chức từ thiện trong và ngoài thị trấn để cứu giúp những người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật; tặng tiền, cây cất, sửa chữa nhà tình thương giúp đỡ cho những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh… Định kỳ hằng tháng, bà Tuyền đều ủng hộ tiền, vật chất cho Tổ từ thiện cấp cơm-cháo nước chín miễn phí Trung tâm Y tế huyện Tam Nông…
Bà Thanh Tuyền tâm sự: “Trong cuộc sống cần phải có tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Tiền của bao nhiêu xài cũng hết, cái quý nhất trên đời là tình người với nhau. Tôi thấy bà con nghèo khổ, hoạn nạn chịu không nổi nên giúp được một người vượt qua cảnh khốn khó là lòng tôi tràn ngập niềm vui. Khi vất vả, hoạn nạn qua đi, tình người sẽ mãi mãi còn đọng lại trong lòng mọi người. Trại cưa xẻ gỗ của tôi mang tên Thành Công thì chủ của nó phải sống sao cho “thành nhân” chứ!”
Đầu năm 2000 đến 2010, trung bình mỗi năm, bà Tuyền tự nguyện xuất tiền của, vật chất của gia đình mình trên 10 triệu đồng để làm từ thiện. Từ năm 2011 đến nay, khoản tiền làm từ thiện của bà Tuyền đóng góp tăng lên từ 70 - 100 triệu đồng/năm giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ nhỡ; cứu giúp nhiều gia đình nghèo khổ-hoạn nạn vượt qua cảnh sống thiếu thốn, bần hàn.
Nổi bật, vào tháng 5/2013, bà Tuyền đã tự nguyện hỗ trợ hơn 20m3 cây trị giá trên 120 triệu đồng cho Tổ từ thiện số 2, xã An Long sử dụng vào việc cất và sửa chữa nhà tình thương miễn phí cho hộ nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Khi biết được nơi nào có những học sinh đang gặp khó khăn trong học tập, hộ dân còn nghèo khó-bệnh hoạn, những người bất hạnh, cơ nhỡ, tật nguyền… thì bằng mọi cách, bà chủ trại cưa xẻ gỗ Thành Công-Phạm Thị Thanh Tuyền kịp thời đến thăm hỏi, tìm hiểu, động viên và giúp đỡ bà con.
Bà Tuyền (đội mũ) trao tiền giúp đỡ bệnh nhân nghèo |
Bà Tuyền đã đóng góp rất tích cực trong công tác từ thiện - xã hội ở địa phương như: cất nhà tình thương, cứu giúp tiền của-vật chất cho những hộ neo đơn; hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo-vượt khó-học giỏi, đóng góp Quỹ vì người nghèo của địa phương, giúp đỡ tiền-gạo tạo điều kiện cho người bệnh nghèo chữa trị, giúp đỡ tiền cho các Tổ từ thiện cấp cơm-cháo nước ở Bệnh viện, đóng góp tiền xây dựng các chùa chiền, tịnh thất…
Việc làm từ thiện của bà Tuyền đã được cán bộ, chính quyền và người dân địa phương biểu dương, khen ngợi. Nhiều người ở thị trấn Tràm Chim và chức sắc, chức việc các tôn giáo ở huyện Tam Nông đều có chung một nhận xét: bà Tuyền chủ trại cưa xẻ gỗ Thành Công rất tốt bụng. Thấy bà con nghèo khổ, bị thiên tai, hoạn nạn, không cơm ăn - không áo mặc, bị bệnh tật không tiền thang thuốc… là bà giúp đỡ ngay. Các cơ sở thờ tự cần giúp đỡ thì cũng được bà Tuyền tự nguyện ủng hộ liền. Thật là một tấm lòng thiện nguyện, thơm thảo của bà Tuyền rất đáng ghi ơn”.
Bà Thanh Tuyền bày tỏ: “Mình thấy người ta khổ, hồi đó mình cũng khổ mình biết được nỗi khổ. Bây giờ có tiền, mình làm việc nào thiện được thì mình làm để tích công đức cho con cháu mình được nhờ thôi. Ở thị trấn Tràm Chim một năm tôi đóng góp trên 10 triệu đồng cất một căn nhà tình thương, có năm tôi góp vô thêm 3 triệu cũng đóng góp hoài cho thị trấn. Còn việc xây cất chùa, tôi cũng đóng góp vô vài triệu tiền gạch đá cho các chùa ở ấp K9, chùa ở ấp K10, chùa Tâm Thành, chùa Quê Hương… Một chùa mình đóng góp vô vài triệu tùy khả năng của mình. Tùy tấm lòng của mình thôi, mình tính làm việc thiện thì được thiện!
Những việc làm từ thiện thiết thực trên, bà Phạm Thị Thanh Tuyền đã vinh dự được tặng thưởng nhiều giấy khen của UBND, UBMTTQ Việt Nam các cấp cùng nhiều Bằng tuyên dương công đức của các tổ chức tôn giáo..