Bà Clinton 'một mình về đích'

(PLO) -Ngay trước ngày Đảng Cộng hòa Mỹ tiến hành đại hội đảng để chính thức để cử ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào đầu tháng 11 tới, Đảng Dân chủ đã dàn xếp xong xuôi chuyện nhân sự cho sự kiện này mà không cần phải kéo dài nữa cho tới tận đại hội đảng. 
Bà Hillary Clinton

Với việc tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton làm ứng cử viên tổng thống duy nhất của Đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders, Thượng nghị sỹ đại diện cho bang Vermont, 74 tuổi, cũng đã chính thức ra khỏi cuộc chạy đua để cho bà Clinton có thể một mình về đích.

Hơn thế nữa, ông Sanders còn tuyên bố sẽ góp hết sức mình để bà Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Cũng có thể nói hai người này giờ đã liên thủ để đấu quyền với ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump.

Cơ hội đắc cử tổng thống của bà Clinton nhờ thế đã đăng lên thêm nhiều so với trước đó. Ông Sanders tự coi mình là một "nhà dân chủ xã hội" trong Đảng Dân chủ Mỹ, có nghĩa là thuộc cánh tả, vì thế không cùng quang phổ chính trị như bà Clinton cho dù đều thuộc về Đảng Dân chủ Mỹ.

Bộ phận cử tri ủng hộ ông Sanders mà không ủng hộ bà Clinton trong những cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua đều là giới trẻ và người Mỹ da trắng với thái độ bất bình với giới chức sắc chính trị thâm căn cố đế trong quyền lực nhà nước tập trung. Nếu không vươn tới và chinh phục được bộ phận cử tri này mà để họ vì bất bình với mình nên ngả về phía ông Trump thì bà Clinton chưa chắc có thể đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới.

Một khi hai người đã liên thủ như thế thì ông Sanders sẽ giúp bà Clinton giành về được lá phiếu của bộ phận cử tri này hoặc ít nhất cũng không để cho ông Trump tranh thủ được họ. Càng sớm có được sự đồng thuận như thế trong nội bộ Đảng Dân chủ thì đảng này càng có nhiều cơ may bảo vệ được ưu thế hiện tại của bà Clinton so với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống này.

Kết cục không được như mong muốn nhưng ông Sanders đã có cuộc vận động tranh cử rất ngoạn mục. Ở điểm xuất phát ban đầu, có nghĩa là khi chính thức nhảy vào cuộc đấu tay đôi với bà Clinton để giành quyền được Đảng Dân chủ đề cử, ông Sanders chỉ giành được có 3% phiếu bầu của cử tri Mỹ theo kết quả thăm dò dư luận. Nhưng rồi ông Sanders đã giành được thắng lợi ở gần một nửa số bang tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ và trở thành đối thủ đáng gờm của bà Clinton.

"Không đạt được hết mục tiêu, nhưng cũng 80% trong số đó", cố vấn của ông Sanders là ông Warren Gunnels đã tổng kết như vậy. Vì có ông Sanders tham gia tranh cử mà Đảng Dân chủ Mỹ phải dịch chuyển về phía cánh tả và bà Clinton phải chấp nhận một số ý tưởng chính sách của ông Sanders như về mức lương tối thiểu, về xóa bỏ án tử hình, giảm học phí trong đào tạo đại học, kiểm soát và giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng.....

Người này tuy không thành công thì cũng đã thành danh. Tại đại hội đảng tới đây của Đảng Dân chủ được tổ chức để chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng, bà Clinton sẽ được đề cử, nhưng trong thực chất, ông  Sanders không vì thế mà là kẻ đã thất bại.

Nhờ có ông Sanders mà Đảng Dân chủ không giống như Đảng Cộng hòa và bà Clinton gặp may nhiều hơn ông Trump. Đảng Dân chủ chứng tỏ khả năng cầu thị để tự thay đổi và đổi mới chứ không sơ cứng và bảo thủ như Đảng Cộng hòa.

Bà Clinton có được sự hậu thuẫn của toàn Đảng Dân chủ chứ không như ông Trump vẫn phải trực diện với sự chống đối không nhỏ trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Nội bộ đảng bị phân hóa thì bộ phận cử tri truyền thống của đảng cũng bị phân hóa gây bất lợi cho ứng cử viên tổng thống của đảng này.

Năm nay, nếu bị thua thì ông Trump đã thua không phải vì bà Clinton quá xuất sắc mà vì Đảng Cộng hòa quá yếu và rạn nứt nội bộ cũng như vì ông Trump thái quá trong phát biểu cũng như ý tưởng chính sách...

Đọc thêm