'Bà đầm Thép'- từ con gái của người bán tạp hóa đến nữ thủ tướng

(PLO) -Được đánh giá là một trong những chính trị gia có sự nghiệp chính trị đáng chú ý nhất ở thời kỳ hiện đại, bà Margaret Thatcher chính là người phụ nữ đầu tiên và trong 2 thập kỷ là người phụ nữ duy nhất lãnh đạo một nền dân chủ lớn ở phương Tây.
“Bà đầm Thép” của Anh Margaret Thatcher.
“Bà đầm Thép” của Anh Margaret Thatcher.

Con gái của người bán tạp hóa

Bà Margaret Thatcher sinh năm 1925 ở thị trấn nhỏ Grantham thuộc Lincolnshire (Anh) với tên khai sinh là Margaret Roberts. Bà lớn lên trong một gia đình có cha là một chính trị gia có chân trong hội đồng địa phương nhưng đồng thời cũng là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ.

Cả gia đình bao gồm cha mẹ, chị gái và bà Margaret cùng sống trong một căn hộ ở phía trên cửa hàng là sinh kế của gia đình.

Cha của bà - ông Alfred Roberts – được cho là người có ảnh hưởng lớn đến bà. Chính ông là người đã gieo vào lòng bà ý thức sâu sắc về những giá trị của việc chăm chỉ làm việc và phục vụ cộng đồng.

Ngoài gia đình, những năm đầu đời sống trong cộng đồng với những truyền thống tự lực, tích cực thực hiện công tác từ thiện và đề cao tính trung thực cũng đóng một vai trò lớn trong việc hình thành các quan điểm chính trị của bà về sau.

Là một học sinh xuất sắc, tốt nghiệp phổ thông, bà Thatcher được nhận vào trường Đại học Oxford, chuyên ngành hóa học. Một trong những người trực tiếp giảng dạy cho bà là ông Dorothy Hodgkin – một người tiên phong trong việc nghiên cứu về tia X và vào năm 1964 đã giành được giải thưởng danh giá Nobel.

Năm 1947, bà lấy được bằng cử nhân hóa học và tới làm việc ở một trung tâm hóa học tại Colchester rồi sau đó là ở Dartford.

Những bước đi đầu tiên trên con đường chính trị

Nhưng hóa học chỉ chiếm vị trí thứ 2 trong các kế hoạch tương lai của bà Thatcher, sau chính trị. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, bà đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội của các sinh viên Bảo thủ trường Đại học Oxford và có cơ hội gặp gỡ nhiều chính trị gia nổi tiếng lúc bấy giờ. 

2 năm sau khi tốt nghiệp đại học, bà Thatcher lần đầu tiên tìm kiếm cơ hội trong chính trường. Đến năm 1950, bà tranh cử vào nghị viện Dartford với danh nghĩa một ứng viên Bảo thủ, trở thành người phụ nữ trẻ nhất ra tranh cử.

Dù thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần đó nhưng bà vẫn nhận được sự kính trọng từ các đồng nghiệp trong đảng qua những bài phát biểu vận động cử tri. Vào năm sau đó, bà tiếp tục ra tranh cử nhưng cũng một lần nữa thất bại.

2 tháng sau thất bại trong cuộc bầu cử, bà Thatcher kết hôn và 1 năm sau đó thì sinh cặp sinh đôi Mark và Carol. Cũng trong năm 1952, bà quyết định dẹp chính trị sang một bên để theo đuổi ngành luật. Sau khi được cấp chứng chỉ luật sư vào năm 1953, bà trở thành một luật sư chuyên về lĩnh vực thuế. 

Song, bà cũng không xa rời chính trường được quá lâu. Năm 1959, bà tiếp tục tranh cử và lần này đã thành công trong việc giành được một ghế trong Hạ viện Anh, đại diện cho khu vực Finchley. Chỉ trong 2 năm sau, bà trở thành Bộ trưởng lương hưu và bảo hiểm quốc gia trong chính phủ của ông Harold Macmillan.

Trong thời gian đảng Bảo thủ trở thành thành viên của phe đối lập, bà dần trở thành một trong những nhân vật cấp cao của đảng và đến khi đảng này giành lại được vị trí lãnh đạo vào năm 1970 thì bà cũng được Thủ tướng Edward Heath đưa vào nội các với chức Bộ trưởng Giáo dục.

Nữ thủ tướng đầu tiên của Anh

Trên cương vị Bộ trưởng giáo dục, bà Thatcher nổi tiếng với biệt danh “Thatcher, người giật sữa” khi hủy bỏ chương trình cấp sữa miễn phí trong trường học ở Anh.

Trong thời gian này, bà cũng gặp nhiều khó khăn, không phải vì những thông tin xấu từ báo chí về những hành động của bà mà vì không thể khiến Thủ tướng Edward Heath hiểu được những ý tưởng của bà.

Dường như vô cùng thất vọng về tương lai của phụ nữ trong chính trường Anh nên trong một lần xuất hiện trên truyền hình vào năm 1973, bà đã được dẫn lời nói rằng: “Tôi không nghĩ trong thời gian mình còn sống có thể có một nữ thủ tướng”.

Tuy nhiên, chính bà đã sớm chứng minh rằng nhận định của bà là sai. Bởi khi đảng Bảo thủ mất quyền vào năm 1974, bà đã trở thành nhân vật uy tín số 1 trong đảng và đến năm 1975 thì được bầu làm lãnh đạo của đảng này thay cho ông Health. Với chiến thắng này, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên là lãnh đạo của đảng đối lập trong Quốc hội Anh.

Ở thời điểm đó, nước Anh đang chìm sâu trong hỗn loạn về kinh tế và chính trị, với việc chính phủ gần như bị phá sản, tỉ lệ thất nghiệp tăng và các liên đoàn lao động xung đột sâu sắc. Sự bất ổn này đã giúp đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền vào năm 1979 và với cương vị lãnh đẠo đảng, bà Thatcher đã làm nên lịch sử vào tháng 5/1979, khi bà được bổ nhiệm làm nữ thủ tướng đầu tiên của Anh.

Những chính sách kinh tế tranh cãi

Tác động chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà là về kinh tế. Kế thừa một nền kinh tế yếu ớt, bà đã tích cực vận động cho sự độc lập hơn của các cá nhân, chấm dứt việc chính phủ can thiệp quá mức vào nền kinh tế với nhiều biện pháp trong đó có việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bán nhà ở công cộng cho những người thuê nhà, giảm chi phí cho các dịch vụ y tế và nhà ở, hạn chế in tiền theo các học thuyết kinh tế về tiền tệ…

Bên cạnh đó, bà cũng thực thi các chính sách như giảm các khoản thuế trực tiếp nhưng tăng những thuế gián tiếp để cân bằng ngân sách, kiềm chế lạm phát… 

Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ mà bà làm lãnh đạo, tỉ lệ thất nghiệp ở Anh tiếp tục tăng cùng với lạm phát trong khi số doanh nghiệp thì giảm đi thấy rõ. Chính vì vậy nên thành tựu của bà trong lĩnh vực kinh tế gây rất nhiều tranh cãi.

Nhiều người ca ngợi bà là người có công cải cách các hoạt động kinh tế của Anh nhưng cũng không ít người cho rằng bà đã phá hoại nền kinh tế nước này. Phải đến năm 1986 thì tỉ lệ thất nghiệp mới bắt đầu giảm xuống và nền kinh tế Anh cũng dần khởi sắc.

Cuộc chiến bất ngờ

Tháng 4/1982, quân Argentina chiếm quần đảo Falklands. Một mặt bà Thatcher tích cực làm việc với giới chức Mỹ để theo đuổi khả năng tìm được giải pháp ngoại giao cho vấn đề này nhưng mặt khác bà cũng điều một đội đặc nhiệm của Anh tới để chiếm lại đảo.

Khi giải pháp ngoại giao thất bại, hành động quân sự nhanh chóng thành công và Anh đã giành lại được quyền kiểm soát quần đảo Falklands vào tháng 6/1982.

Cử tri Anh đã rất ấn tượng với việc này bởi chỉ có ít nhà lãnh đạo Anh và châu Âu quyết định dùng quân sự để giữ đảo. Do đó, bằng hành động của mình, bà Margaret Thatcher đã đặt nền móng cho một chính sách đối ngoại độc lập hơn và mạnh mẽ hơn của Anh trong những năm 1980. Cũng nhờ đó mà chính phủ của bà đã tái đắc cử với số ghế nhiều hơn gấp 3 so với nhiệm kỳ đầu vào tháng 6/1983.

Trong nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 1983 tới 1987, bà Thatcher đã xử lý một số cuộc xung đột và khủng hoảng, trong đó sự kiện gây choáng nhất là việc bà suýt chết trong một âm mưu ám sát bằng bom do quân đội Ireland thực hiện tại Hội nghị của đảng Bảo thủ năm 1984.

Trong vấn đề đối ngoại, bà đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev vào năm 1984. Cùng năm, bà ký thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc về tương lai của Hong Kong. Bà cũng là người ủng hộ việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan không kích Libya vào năm 1986 và cho phép quân Mỹ sử dụng các căn cứ của Anh để thực hiện cuộc tấn công này.

Bà thu hút được sự chú ý không chỉ vì những chính sách này mà còn vì phong cách cá nhân và quan điểm đạo đức, trong đó có tinh thần dân tộc mãnh liệt, nhiệt thành phục vụ và cách tiếp cận đầy tính chiến đấu, kiên quyết để đạt được các mục tiêu chính trị.

Cũng chính những quan điểm và chính sách cứng rắn này đã khiến bà được đặt biệt danh “Bà đầm Thép”. Ngày 22/11/1990, sau 3 năm tại nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 3 và nỗ lực thực thi một số chính sách nhưng không thành, bà tuyên bố từ chức.

Đọc thêm