Bà đầm và "đạo đức chính trị"

(PLO) - Nước Pháp hiện tại không chỉ sôi động về cải tổ nội các và phân hóa nội bộ đảng cầm quyền, không chỉ bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và khả năng giải quyết được các vấn đề xã hội mà còn có thêm vụ bê bối chính trị mới. 
Bà đầm và "đạo đức chính trị"
Viện công tố Pháp đã chính thức tiến hành điều tra nghi vấn lạm dụng chức quyền của bà Christine Lagarde khi còn là Bộ trưởng Tài chính Pháp chứ không phải trong cương vị hiện tại là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Dân chúng ở Pháp vừa hồi hộp lại vừa lo ngại. Họ hồi hộp vì không biết sự thể đã xảy ra như thế nào, có đúng là bà Lagarde đã lạm dụng chức quyền hay đã sao nhãng trách nhiệm không. Hồi ấy, bà Lagarde đã có quyết định làm lợi cho tỷ phú Bernard Tappie. Người này lại đã đóng góp tài chính rất nhiều cho cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Nicolas Sarkozy. 
Lạm dụng chức quyền không thôi đã không thể chấp nhận được, lạm dụng chức quyền vì mục đích chính trị quyền lực thì lại càng tày đình. Dân chúng ở Pháp hồi hộp vì sự thật về chuyện này sẽ đưa họ đến với nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về nền chính trị ở nước Pháp để rồi từ đó tự thấy vẫn nên hay không còn có thể tin cậy được nữa vào nền chính trị ấy.
Họ lo ngại bởi chuyện mới này gợi liên tưởng đến vụ bê bối khác cũng liên quan đến nước Pháp và IMF, cụ thể là tới người tiền nhiệm của bà Lagarde ở IMF là ông Dominique Strauss-Kahn. Ông Strauss-Kahn bị cáo buộc tội quấy rối tình dục nữ nhân viên phục vụ khách sạn ở New York, bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, về sau không bị lôi ra toà xét xử và kết án, nhưng buộc phải từ chức Giám đốc điều hành IMF và chôn vùi tham vọng trở thành tổng thống Pháp. 
Bà Lagarde được tạp chí Forbes coi là người phụ nữ quyền lực thứ 5 trên thế giới, luôn đề cao “đạo đức chính trị” và bây giờ phải tự chứng minh đạo đức của mình với nguy cơ không hẳn không thực tế là có thể mất chức như người tiền nhiệm./.

Đọc thêm