"Bà đỡ" cho nhà nông nghèo vùng lũ nuôi con học ĐH

"Đời mình đã nghèo lại thất học, nay con mình học được mà không cho con đi học thì cũng không  đành nên tui vay thêm ngân hàng 28 triệu đồng để nộp học cho con. Nếu không có vốn vay từ Ngân hàng chính sách, chắc các con tui sẽ bỏ học hết”, anh Trần Văn Bước (Quảng Bình), có ba con học ĐH, tâm sự.

Sau hai tháng kể từ khi cơn lũ lịch sử đi qua, màu xanh mướt của những luống hoa và vườn rau sạch đã thế chỗ cho cảnh hoang tàn tại xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sự hồi sinh của đất có bàn tay chăm bón từ đồng vốn của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) địa phương…

Trồng dưa chuột nuôi 3 người con học đại học

Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Bước ở thôn Tiền Phong, xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch.

Nhìn vườn dưa chuột trĩu quả đang vào mùa thu hoạch - chị Nga, cán bộ tín dụng cho hay: “Đây là một trong những hộ vay vốn ngân hàng có hiệu quả nhất xã đấy anh ạ. Thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây dưa chuột nên năm nào cũng được mùa”.

Hai vợ chồng anh Bước làm nông nghiệp, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng quanh năm vẫn không đủ ăn. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi những người con của anh lần lượt thi đỗ vào đại học. Thương con, không muốn cho con nghỉ học. Năm 2007, anh làm đơn xin vay vốn ở NHCSXH huyện Quảng Trạch 7 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để trồng dưa chuột và các loại cây khác. Đất không phụ công người, cây trồng ngày một lên xanh và cho sai quả. Vụ thu hoạch đầu tiên anh  lãi hơn 10 triệu đồng.

Anh Trần Văn Bước bên giàn mướp và đậu xanh tốt của mình.

Anh Bước tâm sự: “Số tiền lời thu được từ cây trồng tui cầm chưa nóng tay thì thằng con đầu của tui thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, vậy là dồn được bao nhiêu tui đưa hết cho con  đóng học phí và trang trải việc học. Hai đứa con của tui sau này cũng thi đỗ tiếp vào hai trường đại học Kiến trúc và Kinh tế TP HCM. Đời mình đã nghèo lại thất học, nay con mình học được mà không cho con đi học thì cũng không  đành nên tui vay thêm ngân hàng 28 triệu đồng để nộp học cho con. Nếu không có vốn vay từ NHCS, chắc các con tui sẽ bỏ học hết”.Ngoài trồng dưa chuột, anh Bước trồng thêm 2 sào đậu lave. Sẵn đất, anh làm giàn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả khác như mướp đắng, bầu, bí ngô… Tổng thu nhập từ các loại cây và chăn nuôi, anh vẫn lãi hơn 15 triệu.

Nuôi con học đại học từ hoa

Rời nhà anh Bước, chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Sơn trú thôn Trường Sơn, xã Quảng Long (Quảng Trạch, Quảng Bình). Khác với anh Bước trồng cây hoa màu, chị Sơn chọn giống cây hoa cúc Đà Lạt để trồng. Vì theo chị, giống hoa này nở hoa suốt bốn mùa trong năm. 

Chị Sơn kể: Chồng mất, một mình phải nuôi 3 người con ăn học. Kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2006, chị vay NHCSXH Quảng Trạch 14 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. “Đất thì rộng và màu mỡ nhưng chú biết trồng cây gì một năm cũng chỉ thu hoạch một mùa, năng suất lại không cao. Người dân quê tui cứ vào mỗi dịp lễ, tết thường mua hoa từ những nơi khác chuyển về, giá cả lại rất cao nên tui tự mày mò học hỏi kinh nghiệm rồi mua giống hoa cúc Đà Lạt về trồng. Bởi loài hoa này nở hoa và bán được quanh năm. Bình quân mỗi tháng thu nhập từ hoa tui cũng kiếm được 3 triệu. Hiện tại, tui trồng 2 sào hoa với hơn 15.000 cây. Bán từ nay đến tết tui cũng kiếm được hơn 30 triệu. Trận lũ vừa rồi cuốn mất của tui hơn 4.000 cây, tui phải trồng lại chứ không thu nhập còn cao hơn”.

Từ những đồng tiền kiếm được nhờ trồng hoa, chị Sơn đã nuôi 3 người con của mình ăn học. Đứa con gái lớn của chị hiện đang học Đại học Ngân hàng ở TP HCM, đứa thứ hai học đại học Kinh tế và người con gái út đang ôn thi đại học. “Nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCS mà tui đỡ lo, các con tui an tâm học tập, chứ vay ngoài tui không thể trả nổi chú ạ. Tui nói với con, dù  có cực mấy mạ cũng ráng nuôi con, sau này các con ra trường có việc làm gửi tiền về cho mạ trả nợ cũng chưa muộn”, chị Sơn ngậm ngùi. 

Ông Trương Quang Thi, Phó giám đốc NHCSXH huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: “Hai cơn lũ cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại cho các hộ vay vốn NHCSXH trên địa bàn huyện số tiền lên đến 77.152.000.000 đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất, số tiền lên đến 49.100.000.000 đồng với hơn 5.300 hộ bị thiệt hại. Sau khi cơn lũ đi qua, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch rà soát, lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định. Tuỳ theo mức độ thiệt hại và nhu cầu vốn của người vay mà các phòng giao dịch xem xét để cho vay bổ sung. Hiện, đa số các hộ bị thiệt hại trên địa bàn đã được ngân hàng tạo điều kiện để vay vốn khắc phục hậu quả”.

Quang Tám 

Đọc thêm