Ngay trước kỳ tham vấn thường niên giữa chính phủ hai nước, đích thân đương kim Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã lên tiếng công khai cho rằng “việc phải được bồi thường này chưa xử lý xong đối với Ba Lan”.
Bồi thường ở đây là bồi thường cho việc quân đội phát xít Đức phá hủy thành phố Warsaw và sát hại hơn 200.000 người khi đàn áp cuộc nổi dậy của người dân thành phố; bồi thường cho những người bị bắt giữ, tù đày, sát hại, cưỡng bức lao động và cho những tàn phá trong chiến tranh. Nước Đức hiện tại trong tư cách là quốc gia kế thừa nước Đức quốc xã khi trước, về pháp lý quốc tế, đúng là phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý và đạo lý đối với Ba Lan. Luật là như thế.
Trong chuyện này còn có 3 điều đáng được và phải được chú ý đến cũng về phương diện luật pháp. Thứ nhất là chính phủ Ba Lan năm 1953 đã có tuyên bố từ chối mọi yêu cầu đòi hỏi về bồi thường với nước Đức. Tuyên bố này cũng là luật bởi có giá trị về luật pháp quốc tế. Thứ hai là năm 1970, khi Ba Lan và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, hai bên đạt được sự nhất trí với nhau là chuyện bồi thường đã được giải quyết dứt điểm.
Tức là chuyện bồi thường này được xác nhận trên phương diện chính trị cũng như luật pháp quốc tế là đã được giải quyết ổn thoả. Thứ ba là trong văn bản của những hiệp định xử lý chuyện thống nhất nước Đức năm 1991, cũng có sự xác nhận là vấn đề bồi thường cho các nước, trong đó có Ba Lan, đã thuộc về quá khứ lịch sử.
Cho tới khi đảng Luật pháp và công lý (PiS) chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Ba Lan năm 2015, phía Ba Lan không đặt ra vấn đề xem xét lại những luật nói trên. Sau khi trở thành đảng cầm quyền và với đa số trong quốc hội đủ để sửa đổi cả hiến pháp, đảng PiS đã công cụ hoá chuyện này để tranh thủ bộ phận cử tri cánh hữu, cực hữu và dân tộc chủ nghĩa ở Ba Lan, khai thác triệt để tác động dân tuý của chủ đề. Chính khách và chức sắc của Ba Lan lúc này đồng loạt lên tiếng đòi Đức bồi thường.
Tổng thống Ba Lan cho tiến hành xem xét đánh giá lại việc bồi thường. Chuyên gia trên nhiều lĩnh vực được huy động để xác định cụ thể mức độ bồi thường, tức là chuẩn bị trên cả phương diện định tính lẫn định lượng cho việc nêu lại yêu cầu bồi thường với Đức. Khoảng 840 tỷ Euro là con số cụ thể đã được đưa ra về mức độ bồi thường mà phía Đức phải làm cho Ba Lan.
Ở đây có chuyện đối với phía Đức thì luật không thể nhất thời, trong khi đối với Ba Lan thì lại chỉ có lệ mới vạn đại. Phía Đức dựa vào luật để khẳng định rằng chuyện bồi thường cho Ba Lan đã được xử lý ổn thoả. Một khi đã có giá trị về luật pháp quốc tế thì giải pháp đã có phải được tiếp thu và kế thừa bất kể đảng phái hoặc phe cánh chính trị nào lên cầm quyền ở Ba Lan.
Nước Đức hiện tại kế thừa về pháp lý quốc tế mọi trách nhiệm của chính quyền Đức quốc xã khi xưa, thì chính phủ Ba Lan hiện tại cũng phải kế thừa những thoả thuận về pháp lý quốc tế mà các chính phủ tiền nhiệm đã ký kết.
Phe cánh cầm quyền hiện tại ở Ba Lan lại không nghĩ và tiếp cận như vậy mà coi luật chỉ nhất thời, lệ mới vạn đại. Lệ ở đây là thời nào ra thời ấy và chính quyền thời nay không kế thừa những quyết sách của các chính quyền trước đó. Lệ ở đây là mục đích thần thánh hoá công cụ. Lệ ở đây là luật pháp quốc tế chung phải phục vụ cho lợi ích riêng, nếu không sẽ bị vứt bỏ.