Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn quy định tạm thời việc thực hiện xét nghiệm và cách ly y tế.
Đối với người đến/về tỉnh Bắc Giang từ vùng dịch cấp độ 1, 2, 3 không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; không áp dụng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh (trừ các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp: Sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất khứu giác, vị giác…); phải thực hiện khai báo y tế với chính quyền địa phương nơi cư trú và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Về biện pháp cách ly, người đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 đến/về tỉnh: Trường hợp người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trong vòng 12 tháng hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ nhất, ngày thứ 3, ngày thứ 7 kể từ khi vào tỉnh Bắc Giang.
Các trường hợp còn lại thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần (ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 kể từ ngày vào tỉnh Bắc Giang), sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 7.
Người đến/về từ các tỉnh, thành phố phía Nam tạm thời áp dụng như người về từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 cho đến khi có thông báo mới. Trường hợp người thuộc diện phải cách ly tập trung là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em thì thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.
Đối với người đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 đến/về tỉnh, trường hợp người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ nhất, ngày thứ 07 kể từ ngày đến/về tỉnh.
Các trường hợp còn lại thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần (ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày đến/về tỉnh), sau đó tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7.
Đối với người từ địa bàn có dịch ở cấp độ 2 đến/về tỉnh, trường hợp người tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian 6 tháng tự theo dõi sức khỏe và thực hiện thông điệp 5K. Người tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong vòng 7 ngày và thực hiện thông điệp 5K.
Trong khi đó, người đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 1 đến/về tỉnh Bắc Giang được sinh hoạt, làm việc bình thường theo quy định; tự theo dõi sức khoẻ, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo việc xét nghiệm đối với người lao động, chuyên gia, lực lượng vũ trang… trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.
Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp: Sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác, khứu giác… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến nguồn lây thực hiện ngay xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-COV-2 và xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn.
Xét nghiệm tầm soát COVID-19, đối với người lao động đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 (mũi 2 được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc người lao động là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 06 tháng thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 2 tuần/lần cho tối thiểu 10% số lao động này. Đối với người lao động đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19, tiêm mũi 2 chưa đủ 14 ngày thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 2 tuần/lần cho tối thiểu 20% số lao động này.
Đối với người có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 (bao gồm cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 trong vòng 12 tháng) gồm: Lãnh đạo doanh nghiệp, tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lễ tân, lái xe, người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh), người chưa tiêm vaccine thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR cho 100% đối tượng trên, với tần suất 01 tuần/lần.
Các đối tượng làm việc trong nhà xưởng sản xuất kín, sử dụng máy lạnh và có trên 500 lao động/xưởng thì xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 20% đối tượng với tần suất 01 tuần/lần. Đối với người lao động cư trú tại địa bàn các tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày kiểm soát được dịch ngoài cộng đồng nếu đi/về hằng ngày thực hiện xét nghiệm tầm soát cho 100% đối tượng trên, tần suất 01 tuần/lần.
Đối với các chuyên gia, kỹ thuật viên từ tỉnh ngoài vào lắp máy, hỗ trợ kỹ thuật… có thời hạn yêu cầu xét nghiệm RT- PCR có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong 48 giờ khi đến công ty; hạn chế tiếp xúc, sinh hoạt riêng, tuân thủ nghiêm túc 5K, thực hiện xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần…
Đối với khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cho các trường hợp có yếu tố dịch tễ; các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất khứu giác, vị giác…; các trường hợp cấp cứu, chưa kịp khai thác lịch sử, các yếu tố dịch tễ hoặc các trường hợp đặc biệt khác do cơ sở khám chữa bệnh quyết định.
Riêng lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc nhiều người thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 mẫu gộp bằng phương pháp RT-PCR 01 tuần/lần.
Đối với công nhân, người lao động, người làm thuê… đang ở trọ và chủ, quản lý các nhà trọ/khu trọ; Tổ COVID cộng đồng tại những khu vực có nhà trọ/khu trọ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 3% số đối tượng/01 tuần/lần.
Ngoài ra, đối tượng ngoài cộng đồng thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với tần suất 01 tuần/lần cho 1 - 5% các đối tượng sau: Ban quản lý, nhân viên bán vé, bảo vệ, xe ôm, lái xe, phụ xe hành khách công cộng tại các bến xe, bến tàu, nhà ga; lái xe, phụ xe vận tải đường dài… Ban quản lý chợ, bảo vệ chợ, trông xe, các hộ buôn bán lâu năm đông khách hàng trong chợ, lái xe chở hàng ở các chợ đầu mối, một số hộ dân tại khu vực xung quanh chợ… Các nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên phục vụ, ban quản lý, bảo vệ, người trông xe tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… Người ship hàng, nhân viên điện nước, nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc; người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu...
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"