Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động trở lại làm việc

(PLVN) - Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo việc hỗ trợ doanh nghiệp đón công nhân trở lại làm việc.
Hình minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tiếp nhận hồ sơ của 157 doanh nghiệp, đã có 51 doanh nghiệp (với trên 8.000 lao động) đủ điều kiện sản xuất an toàn COVID-19 đã được cho phép hoạt động trở lại.

Các địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lần 2 cho công nhân, xác nhận đủ điều kiện cho công nhân đi làm trở lại đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp đã được cho phép sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa đón công nhân đi làm đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương vừa có văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện trở lại làm việc.

Theo đó, thống nhất thực hiện việc xác nhận người lao động đã được theo dõi, quản lý, xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ lây nhiễm dịch, đảm bảo đủ điều kiện đi làm trở lại; tổ chức đón người lao động trở lại làm việc cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng - Vân Trung.

Quy trình đón lao động đủ điều kiện trở lại làm việc gồm 7 bước.

Bước 1: Doanh nghiệp gửi Ban Quản lý các KCN (khu công nghiệp) tỉnh hồ sơ đề nghị cho lao động quay trở lại làm việc kèm theo danh sách người lao động đã được duyệt theo Phương án sản xuất.

Doanh nghiệp gửi Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Dự thảo phương án đón lao động.

Bước 2: Trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tổ chức rà soát danh sách lao động theo đề nghị của doanh nghiệp với danh sách lao động đã được duyệt theo phương án sản xuất. Sau đó, gửi UBND các huyện, thành phố nơi có người lao động đề nghị được quay trở lại làm việc.

Trong vòng 03 ngày, kể từ khi nhận được Dự thảo phương án đón lao động của doanh nghiệp; Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh kết nối với các huyện, thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện phương án đón lao động.

Bước 3: Trong vòng 02 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND huyện, thành phố thẩm định và gửi Tổ kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND xã, phường, thị trấn (nơi có người lao động đi làm trở lại) văn bản xác nhận về danh sách người lao động đã được theo dõi, quản lý, xét nghiệm sàng lọc về nguy cơ lây nhiễm dịch trong vòng 21 ngày trở lại tính đến thời điểm xác nhận.

Bước 4: Trong vòng 04 giờ, kể từ khi nhận được danh sách do UBND huyện, thành phố gửi, Ban Quản lý các KCN tỉnh thông báo cho doanh nghiệp kết quả xác nhận của UBND huyện, thành phố.

Bước 5: Doanh nghiệp cùng Tổ kiểm tra, hỗ trợ của tỉnh thống nhất lại phương án đón lao động. Sau đó, Tổ kiểm tra, hỗ trợ của tỉnh gửi phương án đón lao động cho Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý các KCN tỉnh trước ít nhất 01 ngày tổ chức đón lao động để thực hiện.

Doanh nghiệp thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm tập trung để thực hiện xét nghiệm COVID - 19 (Test nhanh) và đưa đón về nơi ở của doanh nghiệp.

Bước 6: UBND huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp tổ chức các điểm đón lao động yêu cầu các chốt/trạm kiểm dịch mở chốt/trạm kiểm dịch cho người, xe làm nhiệm vụ đón người lao động trở lại làm việc được lưu thông và cho người lao động di chuyển ra các điểm tập trung đón lao động.

Ngoài ra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng dịch của người lao động và lái xe tại các điểm đón; việc tổ chức xét nghiệm nhanh COVID -19 đối với người lao động; giám sát người lao động lên xe theo đúng danh sách đã được phê duyệt.

Bước 7: Doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu lái xe cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ đón lao động; Tổ chức xét nghiệm nhanh COVID- 19 tại địa điểm tập trung trước khi lên xe đối với lái xe, người lao động; chỉ được cho người lao động lên xe khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Bên cạnh đó, tổ chức cách ly người lao động tạm thời tại nơi ở hoặc tại khu vực vùng đệm (nếu có) và tổ chức xét nghiệm COVID- 19 (xét nghiệm PCR) cho người lao động trước ít nhất 1 ngày dự kiến cho người lao động trở lại làm việc.

Doanh nghiệp chỉ được phép đưa người lao động trở lại làm việc và dừng việc cách ly tạm thời tại nơi ở đối với lao động có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm