Khơi thông dòng chảy kinh tế xanh - Bài 3: Cần tiêu chí để 'mở khóa' nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính sách về tín dụng xanh đã được ban hành. Nguồn vốn cho tín dụng xanh cũng đáng kể nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cận vẫn còn khó khăn. Do đó, cần nhiều chính sách cụ thể để có thể “mở khóa” nhà băng.
Cần sớm ban hành danh mục dự án xanh để nhân rộng mô hình sản xuất xanh trong các lĩnh vực.
Cần sớm ban hành danh mục dự án xanh để nhân rộng mô hình sản xuất xanh trong các lĩnh vực.

Dư nợ tín dụng xanh chỉ... 4,5%

Kết quả khảo sát về mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp (DN) cho thấy, nguồn vốn là khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Các DN quy mô vừa gặp khó khăn nhất về nguồn vốn so với các DN quy mô nhỏ và lớn.

Đáng chú ý, có tới 62,7% DN có doanh thu từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng cho rằng mình gặp khó khăn về vốn. “Đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi DN rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng” - bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) đánh giá.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Trước đó, tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022.

Như vậy, sau khoảng 10 năm triển khai, quy mô tài chính xanh ở Việt Nam vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.

Bà Nguyễn Vân An - Giám đốc chiến lược của Công ty CP Việt Nam Food (VNF) cho biết, nguồn tín dụng xanh không chỉ đến từ các TCTD mà còn có khá nhiều Quỹ Xanh tài trợ cho các hoạt động phát triển bền vững hoặc tạo tác động xã hội. Tuy nhiên, các quỹ này hoặc chỉ tài trợ một phần rất nhỏ, không đủ “tạo đà” cho DN tự chạy tiếp; hoặc nếu tài trợ nhiều hơn thì sẽ yêu cầu khá nhiều thông tin như kế hoạch kinh doanh, báo cáo tác động, sức khỏe tài chính và các cam kết đầu ra... Trong khi đó, hiện đa phần đều là các DN nhỏ và vừa nên rất khó đạt được hết các yêu cầu của Quỹ, do đó DN cũng khó tiếp cận.

Đó là lý do mà VNF phải đưa ra giải pháp để sớm có thể theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng xanh của mình. Ví dụ, chia các mục tiêu phát triển kinh tế xanh thành nhiều phần nhỏ và thực hiện cuốn chiếu từ từ, tùy nguồn lực cho phép. Tuy nhiên, bà Vân An khẳng định, mong muốn lớn nhất vẫn là Nhà nước kết nối với các tổ chức, mạng lưới hỗ trợ tài chính hoặc đề cử, bảo trợ cho DN tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, giúp DN có thêm nguồn lực để triển khai thêm các hoạt động liên quan chuyển đổi xanh.

Vì sao khó giải ngân vốn xanh?

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành ngân hàng còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các TCTD có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; khung pháp lý...).

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm.

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm.

BIDV cũng đang gặp khó

“Dù có sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành liên quan, sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức tài chính có năng lực và kinh nghiệm trên thế giới nhưng tại Việt Nam, tín dụng xanh còn là lĩnh vực khá mới và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả cơ quan quản lý cũng như DN, bao gồm cả BIDV” - Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết.

Ngoài ra, còn có lý do khác, đó là việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, nên các TCTD khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin, mặc dù có sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành liên quan, sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức tài chính có năng lực và kinh nghiệm trên thế giới nhưng tại Việt Nam, tín dụng xanh còn là lĩnh vực khá mới và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả cơ quan quản lý cũng như DN, bao gồm cả BIDV. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chẳng hạn, việc Việt Nam chưa chính thức ban hành tiêu chí môi trường cũng ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động tài chính bền vững tại các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia cho lĩnh vực tăng trưởng xanh tại Việt Nam còn khá hạn chế. Trong khi đó, các dự án xanh có các yêu cầu rất khắt khe về thông số kỹ thuật, đa dạng về ngành nghề và cần có đội ngũ chuyên gia để thực hiện đánh giá và thẩm định. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho việc giải ngân tín dụng xanh còn nhiều khó khăn.

Cần bộ tiêu chí xanh...

Từ chuyển động chính sách và kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế đánh giá DN, nhóm nghiên cứu về mức độ chuyển đổi xanh của DN thuộc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) đã đưa ra một số khuyến nghị để sớm có thể “mở khóa” hiệu quả “nhà băng” xanh. Theo đó, nhóm nghiên cứu này cho rằng, vấn đề đầu tiên phải thực hiện ngay là Chính phủ cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn...

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV khuyến nghị, trước mắt, các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn... cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp; Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ loạt DN tiên phong thích nghi với cuộc chơi mới, đặc biệt tập trung vào các vấn đề: tài chính xanh, nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, thị trường tín chỉ carbon, chuyển đổi công nghệ và năng lượng...

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh, NHNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý để có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh, phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam. Đây sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Mặt khác, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ (như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực xanh một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho rằng, để có thể triển khai ngân hàng xanh thuận tiện hơn, các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cần tiếp tục được xây dựng và ban hành với mức đủ lớn để khuyến khích doanh nghiệp/ngân hàng thương mại. “Trong thời gian tới, nếu những khó khăn trên được tháo gỡ, chắc chắn việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn” - ông Lâm khẳng định.

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng ban hành hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia. Đây sẽ là khung cơ bản, cơ sở để xây dựng các tiêu chí kỹ thuật dưới hình thức các danh mục bổ trợ, chi tiết đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể. Cộng đồng DN kỳ vọng, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng về hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia, các văn bản sau đó sẽ sớm được ban hành để doanh nghiệp, ngân hàng có “chìa khóa” để mở cửa “nhà băng” xanh, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.

Báo cáo về mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp cho thấy có đến 62,7% doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng cho rằng mình gặp khó khăn về vốn.

Đọc thêm