Cứ đà này, giá vải sẽ tăng cao
Thông thường, thời điểm sau Tết Nguyên đán, các vườn vải của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trổ hoa trắng xóa khắp đồi. Tuy nhiên, có mặt tại nơi này những ngày qua, chúng tôi chứng kiến khoảng 80% vườn vải ở đây vẫn trong tình trạng xanh mướt một màu, kèm theo đó là chồi lộc đỏ tía, báo hiệu một mùi khó khăn. Hiện tượng này khiến người trồng vải lo lắng không biết sẽ phải làm gì.
Theo tìm hiểu của chúng tôi,Lục Ngạn thường có 2 trà vải: Trà sớm là vải U Hồng thường ra hoa trước Tết Nguyên đán; còn trà sau Tết là vải thiều có nguồn gốc tại Thanh Hà (Hải Dương) được đem về trồng và trở thành cây trồng chủ lực đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Anh Nguyễn Văn Toàn – người dân Thị trấn Chũ (Lục Ngạn) chia sẻ: “Mọi năm, tầm này hoa vải nở trắng đồi. Nhưng năm nay đến giờ hoa chả thấy đâu mà toàn thấy chồi lộc.Nhiều gia đình hoang mang lắm, không biết năm nay sẽ sống như thế nào”.
Khảo sát tại nhiều khu vườn, lượng vải thiều đã ra hoa chỉ khoảng 10 – 15%, còn lại vẫn trong tình trạng “ngủ đông”. Nhiều cây nụ mới nhú mầm chưa rõ sẽ ra hoa hay ra lộc. Điều này được nhiều người cho biết phải xem thời tiết sắp tới như thế nào.Nếu trời lạnh thì sẽ cho ra hoa, còn nóng và âm u sẽ bị thui chột và cho ra lộc.
Trước sự bất thường trên, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã khuyến khích bà con không nên lo lắng và chờ đợi số mầm mới nhú còn lại. Ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Bảo vệ thực (Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang), cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 30.000ha, trong đó có 6000ha vải U Hồng về cơ bản đã ra hoa. Một phần của số còn lại đã ra lộc và không có khả năng ra hoa”.
Cũng theo ông Toản, giữa tháng 12 và đầu tháng 1, cây vải cần khoảng 20 ngày rét dưới 150C để phân hóa mầm hoa được tốt.Nhưng năm nay gần như không có mùa Đông nên thời gian ra hoa bị lùi lại.
Ngoài ra, ngày 7 – 8 Tết âm lịch tại Bắc Giang có mưa lớn, điều này có thể là nguyên nhân đã tác động tới tình trạng phát lộc ở cây vải. Vì vậy, giải pháp tạm thời được đưa là ngừng tưới nước nhằm giảm thời gian phát lộc chờ trời rét cải thiện khả năng phân hóa mầm hoa.
Trên góc độ chuyên môn, TS Nguyễn Văn Dũng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả cho rằng: Nhiệt độ là nhân tố chủ yếu tác động đến sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây vải. Thể nguyên thủy của hoa vải là mầm hỗn hợp, có hoa và lá. Nhiệt độ cao ức chế sự hình thành các cơ quan hoa mà thiên về sinh trưởng dinh dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của lá.
Còn nhiệt độ thấp thúc đẩy sự phân hóa cành hoa nhỏ và cơ quan hoa, ức chế sự phát dục thể nguyên của lá và thiên hướng sinh thực. Quá trình phân hóa mầm hoa vải có liên quan chặt chẽ tới nhiệt độ. Nhiệt độ từ 0 – 100C thuận lợi cho chùm hoa phân nhánh và phân hóa mầm hoa. Nhiệt độ từ 11 – 140C thì cành và lá mới có thể phát triển thành các chùm hoa có giá trị kinh tế.
Được biết, Bộ NN&PTNN cũng đã chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau củ quả cử cán bộ về Bắc Giang và Hải Dương tìm hiểu tình hình để có giải pháp khắc phục. Theo Cục Trồng trọt, qua kiểm tra nhận thấy hiện trà vải sớm (chiếm 20%) ở 2 tỉnh cơ bản đã xuất hiện hoa như mọi năm. Còn trà vải chính vụ ở Bắc Giang (chiếm 80%) chưa có biểu hiện phát dục ra hoa hay ra lộc, các đầu/đỉnh sinh trưởng đều đang ở trạng thái ngủ.
Lo chuyển đổi cây trồng
Qua tham khảo từ cán bộ quản lý cũng như người trồng vải lâu năm tại Lục Ngạn, hiện chưa có đánh giá chính xác về mức độ ra hoa của trà vải chính vụ. Nhưng với thời tiết nắng nóng thì khả năng mùa vải năm nay người dân có thể phải mua với giá 100.000 đồng/kg.
Việc cây vải ra hoa chậm như năm nay là chưa từng có tiền lệ. Điều này khiến bà con hoang mang, lo lắng khi chưa biết phải làm thế nào. Nhiều hộ trồng vải chia sẻ, nếu trời còn rét mạnh thì còn vớt vát được độ 50 - 60%, bằng không phải tính chuyển đổi sang cây mới chứ không sang năm lại như này thì biết lấy gì mà ăn. Chưa kể đến tiền phân bón, tiền thuê người làm, đầu tư đất canh tác… còn chưa trả được.
Tại địa phương, hiện đã có gia đình đã chủ động chuyển đổi sang trồng cam, bưởi vì đây là loại quả cho năng suất cũng như giá trị hàng hóa nhiều hơn vải. Theo nhận định từ người trồng cam, bưởi thì tổng sản lượng từ hai loại cây kể trên gần bằng tổng sản lượng vải trên cả tỉnh, sần trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao.
Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Nghiên cứu rau củ quả gấp rút hoàn thiện giải pháp kỹ thuật để các địa phương sớm chủ động ứng phó, giữ được tỉ lệ ra hoa trong tình hình thời tiết diễn biến theo chiều hướng bất lợi.
Bên cạnh đó, khuyến cáo các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tận dụng tối đa tỉ lệ đậu quả, hạn chế rụng sinh lý đối với diện tích vải đã và đang ra hoa. Các diện tích vải ra hoa kết hợp với lộc, có thể áp dụng kết hợp với giải pháp cắt bớt lộc để tạo điều kiện cho hoa phát triển.