Nghiệp trồng lúa
Ngay từ thời Vua Hùng, các lễ tịch điền, lễ cơm mới đã được tổ chức để khuyến khích người dân trồng lúa, cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Dọc chiều dài Tổ quốc, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, từ núi cao tới miền duyên hải, mỗi vùng miền đều có những cái Tết mang sắc thái văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng riêng nhưng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết là những món ăn, thức uống chế biến từ hạt gạo.
Đất nước đổi mới, từ một quốc gia thiếu lương thực, đến nay nước ta đã là một cường quốc của thế giới về lúa gạo. Điều này minh chứng cho những nỗ lực, sức lao động của người nông dân, quanh năm cần cù, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Để từ đó, chúng ta có các loại gạo nổi danh như Tám thơm, Nàng thơm, nếp cái Hoa vàng...
Trồng lúa đối với họ là cái nghiệp chứ không phải nghề. Nghiệp trồng lúa cha truyền con nối, là công việc của cả gia đình chứ chẳng phải một cá nhân nào. Niềm vui giản đơn và chất phác của họ đôi khi chỉ là ra thăm ruộng lúa nhà mình, hay được mùa, “trúng lớn”…
Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết những trăn trở của người nông dân trong hành trình gian nan đưa hạt gạo đến tay người dùng. Dẫu tự hào là cường quốc của thế giới về lúa gạo, nhưng những năm gần đây, từ vị trí đỉnh cao, gạo Việt đang dần bước qua thời kỳ huy hoàng và rơi vào bế tắc ở cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
Bằng chứng là, trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang bị các đối thủ như Campuchia, Thái Lan lấy mất dần thị phần. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến gạo Việt đang giảm mạnh cả về lượng và chất. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng đầu năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo chỉ đạt hơn 4,5 triệu tấn, giảm 25% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Cần giải bài toán cho gạo Việt
Gần 30 năm xuất khẩu gạo, nước ta chỉ loay hoay tập trung vào thị trường châu Á với giá thấp nên tuy xuất nhiều nhưng lợi nhuận không cao. Không chỉ vậy, sau Nhật Bản, gạo Việt đang phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa” do phát hiện nhiều lô gạo còn tồn lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trong khi đó, thị trường gạo trong nước lại phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà vì gạo ngoại đang có xu hướng xâm lấn. Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ, Móng Chim… nhập từ Campuchia hay Thái Lan đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mâm cơm của người Việt.
Lý giải về nguyên nhân này, không ít chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là thể chế và chính sách. Đã từ lâu, thành tích số triệu tấn gạo chứ không phải giá xuất khẩu là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Khi mải mê chạy theo số lượng, việc hi sinh chất lượng là điều dễ hiểu. Với việc chạy đua về số lượng như vậy dẫn đến gạo có chất lượng thấp bởi tình trạng 3 “không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.
Do chất lượng thấp và không có thương hiệu nên gạo Việt Nam không thể xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung vô cảm là gạo 5%, 25% tấm hoặc phải “khoác áo” các loại gạo nước ngoài.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt nhằm định vị giá trị, hình ảnh, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo của Việt Nam là cần thiết. Nhưng thương hiệu tự thân nó không thể “giải bài toán kinh tế” của ngành, mà rất cần “trợ lực” bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành từ những con người am hiểu kinh tế và thực tế.
Liệu chúng ta có nên sống mãi với niềm tự hào rằng Việt Nam là cường quốc lúa gạo trong khi nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội và gạo Việt không có mặt trên các thị trường lớn và thua ngay trên chính sân nhà?
Điều đáng buồn thay, hình ảnh người nông dân sau hơn 40 năm gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là sự vất vả, hi sinh, một nắng hai sương để sản xuất ra những hạt gạo.
Gạo Việt đang phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa” |
Vụ đông xuân đang tới, lúa sẽ chín vàng trên những cánh đồng miền Nam và trên những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc. Khắp nơi sẽ lại tràn ngập những bức ảnh ngày mùa ở Sa Pa, Mù Cang Chải, hay Hoàng Su Phì… như biểu tượng của vẻ đẹp ấm no của Việt Nam.
Nhưng những bức ảnh cánh đồng ruộng bậc thang vàng ruộm trong hoàng hôn ở Mù Cang Chải không thể thay thế bữa ăn của người Việt. Và người nông dân cũng không thể treo ảnh ngày mùa trong căn nhà mà hạt gạo họ trồng chưa đủ để mang lại sự ấm no cho cả gia đình.
“Nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn cực nhọc sản xuất mà lợi nhuận luôn thấp hơn so với các lao động khác. Giá lúa luôn thấp và giá gạo xuất khẩu luôn luôn bị thương lái quốc tế mua thấp hơn gạo các nước khác. Thậm chí người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin tưởng gạo Việt Nam”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Cũng theo chuyên gia đầu ngành nông nghiệp này, ngành lúa gạo hiện được chia ra các giai đoạn phát triển như: giai đoạn thiếu ăn, giai đoạn đủ ăn và dư thừa, giai đoạn tìm hiểu công nghệ sản xuất mới, giai đoạn sản xuất công nghệ xanh.
Các nước đang ở giai đoạn sản xuất theo phương thức công nghệ xanh, còn Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn chỉ ở giai đoạn sản xuất dư thừa, loay hoay không phát triển lên, vẫn chỉ chú trọng về lượng chứ không về chất nên rất khó cạnh tranh.