Kế hoạch xóa bỏ lò vòng gây ô nhiễm
Sản xuất gạch bằng công nghệ lò vòng, lò vòng cải tiến là hoạt động sản xuất gạch nung phổ biến ở nước ta trong thời gian qua, vốn là công nghệ sản xuất có rất nhiều nhược điểm, như gây ô nhiễm môi trường; làm suy kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo như đất sét, đất sản xuất, than đá, dầu, khí; tình trạng sản xuất tự phát, manh mún; chất lượng, hiệu quả thấp.
Trong các loại lò gạch kiểu cũ, lò vòng (còn gọi là lò hoffman) ra đời ở nước Đức từ năm 1858. Hiện nay, công nghệ sản xuất gạch nung lò vòng đã lạc hậu với nhược điểm là như hao tốn nhiệt lớn do lửa phải chạy quanh vong lò.
Do lò gạch kiểu cũ lạc hậu và có nhiều bất lợi cho môi trường nên nhiều địa phương đã lên kế hoạch xóa bỏ lò vòng từ cách đây gần chục năm theo chủ trương của Chính phủ. Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Thủ tướng Chính phủ yêu Bộ Xây dựng xây dựng lộ trình và chấm dứt gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò vòng.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng lộ trình quản lý chặt chẽ, hạn chế và xóa bỏ vĩnh viễn hoạt động sản xuất gạch nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng với mục tiêu xóa xổ lò gạch thủ công, lò vòng trước 31/12/2018 và thay thế bằng công nghệ tiên tiến hơn, trong đó có các loại vật liệu không nung.
Theo đó, ngày 19/9/2012, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản số 2155/KH-UBND xây dựng lộ trình xóa bỏ các lò sản xuất gạch bằng các công nghệ lạc hậu. Thực hiện kế hoạch này, rất nhiều lò thủ công đã bị dẹp bỏ; tình trạng khai thác tài nguyên đất bừa bãi, không theo quy hoạch được hạn chế rất nhiều.
Về phía Chính phủ, để tiếp tục đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công và lò vòng đã lạc hậu, ngày 10/9/2018, Văn phòng Chính Phủ có văn bản số 8616/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm việc xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Không về đích
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 50 lò vòng đang hoạt động, tập trung nhiều tại các huyện Lục Nam (15 lò) Hiệp Hòa (14 lò); Yên Dũng (05 lò); Tân Yên (4 lò). Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang và thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các lò gạch này phải dừng hoạt động khi năm 2018 khép lại.
Tuy nhiên, kế hoạch 2155 của UBND tỉnh Bắc Giang có nguy cơ không về đến đích như dự kiến do mới đây Tỉnh ủy Bắc Giang có chủ trương gia hạn thời gian tồn tại của các lò gạch kiểu cũ này. Cụ thể, theo Thông báo số 388/TB-TU của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy “đồng ý về mặt chủ trương cho phép gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở gạch nung lò vòng đến hết năm 2020”.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong cuộc họp với UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan thì hiện nay, các loại hình sản xuất gạch thay thế lò thủ công, lò vòng chưa đạt được công suất thay thế, dẫn đến việc sản xuất gạch nung kiểu cũ vẫn “rẻ và hiệu quả”, đó là lý do dẫn đến các loại lò nung gạch gây ô nhiễm được tỉnh Bắc Giang cho phép tồn tại tiếp 2 năm.
|
Sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở sản xuất lò vòng có thể tiếp tục được hạ giá vì đã khấu hao vốn đầu tư |
Theo ghi nhận của phóng viên tại các huyện Lục Nam, Hiệp Hòa, Tân Yên, đã có những phản ứng trái chiều về chủ trương kéo dài thời gian tồn tại của lò gạch kiểu cũ mà tỉnh Bác Giang vừa đưa ra.
Với các nhà sản xuất gạch nhỏ lẻ, manh mún thì việc kéo dài tuổi thọ của các lò gạch kiểu cũ đã đầu tư từ lâu, dĩ nhiên là một tin vui bởi lẽ các doanh nghiệp và hộ gia đình này sẽ không phải đầu tư mới để thay đổi công nghệ sản xuất và tiếp tục khai thác triệt để lò gạch cũ. Điều này có nghĩa là các hệ lụy về sản xuất và môi trường sẽ tiếp tục kéo dài.
Đối với các doanh nghiệp đầu tư bài bản cho công nghệ mới để thay thế công nghệ sản xuất gạch nung kiểu thủ công thì đây là một “gáo nước lạnh” dội vào kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Vì, khi lò gạch cũ, sản phẩm cũ và thị trường cũ còn có cơ hội tồn tại thì việc các doanh nghiệp liệu có dám đầu tư sản xuất sản phẩm với công nghệ mới hay không? Sự thất bại về mặt thị trường của nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung để thay thế cho gạch nung lò vòng chính là câu trả lời xác đáng nhất.
Chia sẻ về vấn đề này, một lãnh đạo của UBND huyện Lục Nam cho biết: “Tinh thần của chúng tôi là làm theo kế hoạch đang được triển khai. Huyện Lục Nam đã lên kế hoạch và các xã cũng đã thống nhất, ký cam kết với các chủ lò là đến 31/12/2018 nếu không nung hết các phơ thì bắt buộc phải dừng hoạt động”.
Ở một góc nhìn khác, theo một số doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường thì rất khó để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất vật liệu thay thế gạch lò nung lạc hậu nếu như chính quyền không thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra. Nếu vì lý do gạch nung rẻ mà tiếp tục cho sản xuất, thì đến năm 2020 rất có thể chưa phải là thời hạn cuối cùng cho cho sự tồn tại của lò vòng. Vì đến thời điểm đó, các doanh nghiệp sản xuất gạch công nghệ mới cũng chưa thể hạ giá sản phẩm do chưa sản xuất lớn, nên so sánh về giá thành thì gạch lò nung lạc hậu vẫn rẻ hơn nhiều (do được khấu hao hết vốn đầu tư).
Để gạch không nung và gạch nung bằng công nghệ lò tuynel phát triển và rẻ hơn gạch lò thủ công, lò vòng thì phải sản xuất nhiều và có thị trường bền vững. Như vậy, cần phải dẹp bỏ long vòng mới tạo điều kiện cho sản phẩm mới rẻ hơn được.
Do đó, cách kéo dài thời gian tồn tại của lò vòng là chính sách không đem lại lợi ích chung và không khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới. Do vậy, việc dẹp ngay lò gạch kiểu cũ như chủ trương mà Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang đề ra chính là giải pháp có lợi trong dài hạn đối với kinh tế, xã hội của địa phương này.