Vùng đất của những di tích, di sản
Lâu nay, nhắc đến Bắc Giang, nhiều người thường nghĩ ngay đến biệt danh “xứ sở vải thiều” - nơi sản sinh ra loại quả tiến vua thơm ngon nức tiếng một thời. Thế nhưng, Bắc Giang không chỉ có vải thiều. Vùng đất này còn là một miền di sản độc đáo, thu hút du khách bởi những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ, in đậm trong nếp sống của những làng quê Bắc Bộ bình dị và giàu bản sắc.
Và những giá trị văn hóa, lịch sử ấy chính là nền tảng vững chắc để Bắc Giang phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh đặc sắc. Những địa danh nổi bật như khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, chùa Phúc Quang, chùa Thổ Hà, Thành cổ Xương Giang… không chỉ là nơi hành hương, chiêm bái, các điểm đến này còn giúp du khách cảm nhận được tinh hoa của vùng đất có nền văn hóa giao thoa giữa đồng bằng với vùng núi.
Là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tại Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) với lịch sử nghìn năm tuổi được xem là trường Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm danh tiếng. Từ xa xưa dân gian đã có câu “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành”, đây là tâm niệm của người xưa về con đường tâm linh của Thiền phái Trúc Lâm và chùa Vĩnh Nghiêm là một phần của con đường ấy.
Chùa có lối kiến trúc đăng đối, cân xứng và hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị. Đặc biệt, tại chùa hiện lưu giữ 3.050 mộc bản quý giá được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các mộc bản này bao gồm các bộ kinh sách nhà Phật, sự nghiệp, trước tác của các vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam cùng nhiều sách hướng dẫn cách chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian... được khắc bằng chữ Hán và Nôm.
|
Du khách dâng hương lễ bái tại chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh trong bài: PV) |
Bên cạnh chốn tổ Vĩnh Nghiêm, nếu có dịp đến Bắc Giang, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm chùa Bổ Đà (thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) - một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng bậc nhất vùng Kinh Bắc xưa nay. Điểm độc đáo của chùa Bổ Đà chính là lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế”, mang nét riêng biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc.
Khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là chùa Cao, am Tam Đức, chùa Tứ Ân, vườn Tháp. Đặc biệt, vườn Tháp tại đây là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước, gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn, nhỏ khác nhau. Đây là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của hơn 1.000 tăng ni, phật tử thiền phái Lâm Tế từ 300 năm trước.
Chia sẻ về cảm xúc sau chuyến tham quan hai ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Giang, anh Đặng Quốc Việt (34 tuổi, Hưng Yên) cho biết, anh không chỉ ấn tượng trước khung cảnh thanh tịnh, bình yên mà còn bởi những di sản văn hóa độc đáo được lưu giữ tại nơi đây. “Tại chùa Bổ Đà, tôi đã rất ấn tượng với kho mộc bản chứa hơn 2.000 mộc bản. Nhưng khi đến chùa Vĩnh Nghiêm, tôi không khỏi ngạc nhiên trước con số hơn 3.000 mộc bản. Những mộc bản này được gìn giữ rất cẩn thận và là một phần di sản quan trọng không chỉ của Phật giáo mà còn của văn hóa Việt Nam”, anh Quốc Việt bày tỏ.
Ngoài ra, khi đến với Bắc Giang vào những dịp lễ hội truyền thống, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng với tiếng trống hội, tiếng chiêng vang vọng khắp làng quê. Những lễ hội nổi bật như hội Yên Thế, hội Suối Mỡ hay lễ hội vật cầu nước làng Vân không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương đến thưởng ngoạn và khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong những ngày hội, du khách sẽ được say mê trong làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm tạo nên một không gian đậm đà bản sắc của vùng Kinh Bắc xưa.
Nỗ lực phát triển du lịch văn hóa - tâm linh toàn diện
Có thể thấy, sản phẩm du lịch văn hoá - tâm linh đang là điểm sáng trong bức tranh du lịch của Bắc Giang, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Những địa danh nổi bật như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu du lịch văn hóa - tâm linh của vùng đất này.
Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, ông Thân Văn Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang cho biết, hiện tỉnh Bắc Giang xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh là một trong bốn trọng điểm tỉnh tập trung xây dựng để phát triển du lịch.
“Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, trong đó có 731 di tích được xếp hạng, 5 di tích quốc gia đặc biệt cùng với một số môn nghệ thuật trình diễn dân gian được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đây chính là tài nguyên phát triển du lịch văn hóa - tâm linh”, ông Thân Văn Hiếu chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Ngân Giang - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Đại Việt nhận định, những di tích tâm linh nổi bật tại Bắc Giang có giá trị văn hóa và tín ngưỡng đặc sắc, thu hút du khách hành hương, khám phá, đặc biệt với những ai quan tâm đến lịch sử và tín ngưỡng Phật giáo. Chưa kể, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có những bước đi chiến lược nhằm khai thác tiềm năng to lớn của du lịch văn hoá - tâm linh và biến nó trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế địa phương.
Điều này được thể hiện rõ qua những nỗ lực trong quy hoạch và phát triển du lịch tâm linh, như xây dựng tuyến đường 293 (tuyến đường tâm linh) để kết nối các điểm du lịch tâm linh và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu di tích. “Bằng việc sở hữu tài nguyên phong phú và thực hiện các chiến lược đầu tư bài bản, du lịch văn hoá - tâm linh tại Bắc Giang đã và đang trở thành điểm sáng trong ngành du lịch của tỉnh”, TS. Trần Thị Ngân Giang nhấn mạnh.
|
Một góc chùa Bổ Đà - danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng du lịch văn hóa - tâm linh tại Bắc Giang vẫn chưa được khai thác xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Điều kiện cần để phát triển du lịch văn hoá - tâm linh là sở hữu hệ thống di tích phong phú và giá trị văn hóa đặc sắc, Bắc Giang đã có nhưng đây mới ở bước khởi đầu. Điều kiện đủ là cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ tại các điểm di tích nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được đầu tư. “Phát triển dịch vụ du lịch còn hạn chế ở hoạt động hậu cần (hậu nhưng rất cần), dịch vụ lưu trú, ẩm thực, các điểm cung ứng dịch vụ chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, chưa đáp ứng được nhu cầu đoàn đông người và đa dạng lứa tuổi”, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang thông tin.
Về vấn đề này, TS. Trần Thị Ngân Giang cho rằng, để khai thác tiềm năng du lịch văn hóa - tâm linh một cách toàn diện hơn, Bắc Giang cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các di tích tâm linh ra thị trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp thu hút thêm lượng lớn du khách mà còn góp phần khẳng định vị thế của Bắc Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trong những năm qua, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác thông tin và quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức hiện đại. Nổi bật là việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá như xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh, trang thông tin điện tử du lịch Bắc Giang, triển khai hệ thống du lịch ảo VR360 và số hóa các ấn phẩm du lịch. Đồng thời, Trung tâm còn tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch như hội chợ, ngày hội văn hóa - thể thao trong và ngoài tỉnh; tổ chức từ 3 - 5 cuộc khảo sát hằng năm để xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, khai thác tốt tài nguyên sẵn có và thu hút nhà đầu tư đến với Bắc Giang.