Bác Hồ với Sự nghiệp Giáo dục

(PLVN) - “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” - lời Bác dạy vẫn luôn có tình thời sự cho sự nghiệp giáo dục để  góp phần chấn hưng nước nhà.

Trong suốt nhiều năm qua các cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” luôn được rất nhiều cây viết từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp tham gia với cả niềm tự hào khi được viết về Bác Hồ kính yêu.

Là người con của đất Việt, thủa nhỏ nhiều lần đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều năm qua tôi cũng rất muốn viết những gì bản thân đã tìm hiểu và biết về Người, nhưng cho đến nay khi đã 45 năm thuộc 5 điều Bác Hồ dạy, tôi mới mạnh dạn viết về Bác Hồ kính yêu bằng cả con tim này. Vẫn biết những gì mà Tôi viết về Bác chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì Bác đã dành cho Đất nước Việt Nam và nhân loại trên toàn Thế giới.

"Thế giới viết về Người, Việt Nam viết về Người". Bao nhiêu năm qua, dù đã hoặc chưa một lần gặp Bác nhưng bằng tất cả tấm lòng kính yêu, hàng triệu con tim đã khắc họa hình ảnh của Bác qua nhiều tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc. Những tác phẩm đó khẳng định một điều không thể thay đổi: "Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi gắn liền với sự nghiệp cách mạng của chúng ta".

Cho đến nay và mãi mãi về sau có thể nói tư tưởng của Bác Hồ luôn có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước, trong đó sự nghiệp Giáo dục cho đến nay ghi nhận được rất nhiều thành tựu từ việc học tập và làm theo những quan điểm, triết lý ngắn gọn mà đầy đủ của Bác.

Sinh thời, Bác luôn nhận định, nền Giáo dục của mỗi Quốc gia tốt hay không là điều quyết định đến sự phát triển của Đất nước đó và đây là lý do khiến sinh thời Bác luôn chú trọng đến Giáo dục nước nhà. Bác coi việc người dân mù chữ là “Giặc” nên song song với Công cuộc đánh đuổi Giặc ngoại xâm thì diệt “Giặc dốt” là một trong những ưu tiên hàng của Bác Hồ.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng cũng là giáo dục và giáo dục thực sự góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. 

Có một thời gian không dài, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), Thầy giáo Nguyễn Ái Quốc dạy ở lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu (Trung Quốc) đến khi trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền quốc học nhân dân, khai sáng cho dân tộc Việt Nam với quan điểm về giáo dục rất thực tiễn, luôn thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nhất quán thực hiện chiến lược trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Những triết lý về Giáo dục của Người dù rất ngắn gọn nhưng luôn đúng cho mọi thời điểm. Mỗi cấp học Bác chỉ nói một câu ngắn gọn thế này:

Với việc dạy trẻ mầm non Bác dặn: “Dạy mẫu giáo cốt nhất là giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các Cháu”. “Trẻ Em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Triết lý về giáo dục tiểu học (Cấp I) của Bác là: “Tiểu học cốt nhất là dạy đức tính để làm người” 

Mỗi Thiếu niên, Nhi đồng và nói đúng hơn là mỗi người dân Việt nam khi bắt đầu bước chân vào bậc Tiểu học đều thuộc 5 điều Bác Hồ dạy. 05 điều với tròn 30 từ thôi mà nó bao hàm tất cả, có thể nói: Mỗi người dân Việt Nam chỉ cần làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy thôi là đã có thể trở thành một Công dân mẫu mực.

Hình ảnh quen thuộc đối với người dân Việt Nam
 Hình ảnh quen thuộc đối với người dân Việt Nam

Dạy Trung học (Cấp II và Cấp III) Bác nói thế này: “Trung học phải dạy kiến thức cơ bản, học xong sẽ đi làm thợ được ngay, rồi sẽ tiếp tục học lên”. 

Có lẽ Bác lo lắng sẽ xảy ra tình trạng “thiếu Thợ - thừa Thầy” bởi một đất nước để phát triển tốt thì lực lượng lao động, công nhân lành nghề phải chiếm số đông, còn Thầy thì chú trọng vào chất lượng bởi những Thầy giáo giỏi sẽ đào tạo ra thế hệ học trò tốt. 

Dành cho việc đào tạo cấp Đại học Bác cho rằng: “Đại học là để đào tạo chuyên gia, nên phải dạy theo phong cách nghiên cứu”.

Mỗi cấp học Bác Hồ chỉ nói một câu thôi mà cũng đã bao hàm đầy đủ triết lý giáo dục có thể áp dụng cho mọi thời đại.

Hơn nữa Bác luôn nhắc nhở chúng ta không quên học hỏi qua thực tiễn mỗi ngày với triết lý sâu sắc của Người: “Thực hành sinh ra hiểu biết – Hiểu biết tiến lên lý luận – Lý luận lãnh đạo thực hành”

Hay một câu mà không ai có thể nói tuyệt vời hơn:  “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”.

Có thể hiểu theo quan điểm của Bác, "Giáo dục là để phát huy, phát triển tốt nhất mọi khả năng của con người một cách tự nhiên và khoa học nhất".

Đọc thêm