Bạc Liêu khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kỹ năng tranh tụng tại phiên toà

(PLVN) - Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kỹ năng tranh tụng tại phiên toà, nhằm giúp các học viên nắm vững các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; hiểu rõ hơn vị trí, vai trò của hoạt động tố tụng và một số kỹ năng pháp lý cơ bản, cần thiết của người giám định viên Tư pháp, đặc biệt là về kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho đội ngũ làm công tác giám định tư pháp.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp tỉnh và chủ trương chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ngày 25/5, Sở Tư pháp tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định Tư pháp và kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giám định Tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian 02 ngày (từ ngày 25 và 26/5/2022).

Tham dự có bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp); Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vưu Nghị Bình; Các giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và đại diện các Sở ban, ngành, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Vưu Nghị Bình phát biểu tại buổi khai giảng.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Vưu Nghị Bình phát biểu tại buổi khai giảng.

Phát biểu tại buổi khai giảng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu Vưu Nghị Bình cho biết: “Trong năm qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều kết quả đội ngũ giám định viên tư pháp được các cấp, các ngành được quan tâm kiện toàn, đến nay toàn tỉnh có 84 giám định viên (trong đó: Giám định viên tư pháp 31 người và giám định viên theo vụ việc là 53 người) với 02 tổ chức giám định tư pháp (Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh, Trung tâm giám định pháp y - Sở Y tế) và 10 cơ quan thực hiện chức năng giám định, ngoài ra còn có 04 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt, đội ngũ giám định viên tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không chỉ tăng về số lượng mà tăng cả về chất lượng, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định Luật Giám định tư pháp”.

Đồng thời, ông Vưu Nghị Bình cũng rất mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn nữa của Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Để đảm bảo lớp bồi dưỡng đạt được kết quả cao, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vưu Nghị Bình cũng đề nghị các đại biểu tham dự đầy đủ, nghiêm túc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lắng nghe và tiếp thu các nội dung mà báo cáo viên của Bộ Tư pháp trình bày; tham gia thảo luận, nêu những thắc mắc, những vấn đề cần làm rõ để được giải đáp.

Quang cảnh buổi khai giảng.

Quang cảnh buổi khai giảng.

Lớp bồi dưỡng bồi dưỡng kiến thức pháp luật giám định tư pháp và kỹ năng tranh tụng tại phiên toà được nghe bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) trình bày những nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp và pháp luật có liên quan, một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết của người giám định tư pháp. Tìm hiểu những vấn đề pháp lý chung, quy định về người giám định tư pháp, nguyên tắc thực hiện và các hành vi bị nghiêm cấm trong giám định tư pháp, vai trò của hoạt động giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng, các hình thức giám định tư pháp… Một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết của người giám định tư pháp như tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định hoặc sự phân công của thủ trưởng cơ quan thực hiện giám định, việc tiến hành giám định, kết luận giám định, lập hồ sơ giám định, kỹ năng tham gia tố tụng…, phân tích đầy đủ hệ thống kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp, quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp theo quy định của pháp luật, một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác giám định và những vụ việc mang tính thời sự trong hoạt động giám định tư pháp.

Do đó, người làm công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu của xã hội về giám định tư pháp. Chương trình đã dành thời gian để các học viên thảo luận, trao đổi nhằm bàn bạc, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trình bày liên quan đến công tác giám định trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự,…

Bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trình bày liên quan đến công tác giám định trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự,…

Các đại biểu đã được nghe Bà Nguyễn Thị Thụy - Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trình bày liên quan đến công tác giám định trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, một số vấn đề liên quan đến công tác tiếp nhận, thực hiện giám định của giám định viên tư pháp.

Thông qua Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật giám định tư pháp đã giúp củng cố kiến thức pháp luật về phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của đơn vị tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Việc giám định không chỉ nhằm xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, khung hình phạt được áp dụng mà còn liên quan đến nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cụ thể.

Đồng thời, giúp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật; giúp các cơ quan pháp luật xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển đất nước.

Cùng với đó, kỹ năng tranh tụng tại phiên toà là việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự là góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan toàn diện, được đúng người, đúng tội đúng pháp luật góp phần bảo đảm quyền con người và đặc biệt là quyền của người bị buộc tội./.

Đọc thêm