Bạc Liêu: Người dân cần cảnh giác trước tội phạm mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các cuộc gọi giả danh cơ quan nhà nước hoặc tạo ra các đường link chứa mã độc, hack tài khoản mạng xã hội... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những cuộc gọi giả danh

Ngày 21/12/2023, bà T.N.V (ngụ phường 3, thành phố Bạc Liêu) nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, giọng nữ tự xưng là nhân viên tổng đài Viettel, thông báo về việc có người sử dụng thông tin cá nhân của bà đăng ký sim điện thoại rồi kêu gọi từ thiện, quảng cáo, lừa đảo trúng thưởng tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó chuyển máy cho một người tên Phong, tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng tiếp tục nói chuyện, yêu cầu kết bạn Zalo với bà V.

Bà T.N.V (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu) đến Công an Phường 3 trình báo.

Bà T.N.V (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu) đến Công an Phường 3 trình báo.

Sau khi đã kết bạn Zalo với bà V, đối tượng Phong mặc trang phục Công an liên tục gọi video-call, nói bà V có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy; đồng thời chuyển máy cho người tên Tiến và giới thiệu là cấp trên của mình. Tiến yêu cầu bà V đến ngân hàng để mở tài khoản, nộp toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản và gửi mật khẩu đăng nhập để phục vụ điều tra.

Vì lo sợ bản thân liên quan đến vụ án, nên bà V đã lập tức đi mở tài khoản ngân hàng, đồng thời bán số tài sản mình tích cóp nhiều năm qua gồm 2 lượng vàng 24K và 2.000USD được 180 triệu đồng chuẩn bị nộp vào tài khoản.

Tuy nhiên, khi Phong liên tục hối thúc cung cấp mật khẩu, bà V thấy có dấu hiệu bất thường nên đến Công an phường 3, TP Bạc Liêu trình báo. Nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lực lượng Công an đã yêu cầu bà V không được nộp tiền vào tài khoản và hủy số tài khoản đã đăng ký vì khả năng đối tượng đã thu thập được mật khẩu, thông tin, dữ liệu cá nhân của bà.

Trước đó, cũng với thủ đoạn trên, bà C.N.L, một tiểu thương buôn bán tại chợ Bạc Liêu, sau khi dọn hàng chuẩn bị buôn bán, bà L nhận được điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Bạc Liêu yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản mang tên Đào Quang Nghĩa với lý do là tài khoản của bà đã bị kiểm soát thông tin để phục vụ công tác điều tra, sau khi vụ việc kết thúc, cơ quan Công an sẽ hoàn trả lại đầy đủ tiền cho bà.

Tin lời nhóm đối tượng, bà L đã tức tốc đến ngân hàng yêu cầu thực hiện chuyển 950 triệu đồng vào tài khoản Đào Quang Nghĩa. Nhận thấy dấu hiệu bất thường trong giao dịch của bà L, nhân viên ngân hàng đã kịp thời cung cấp thông tin cho Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bạc Liêu để xác minh, làm rõ.

Được sự hỗ trợ của Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bạc Liêu nên bà L. không mất gần 1 tỷ đồng vào tay kẻ gian.

Được sự hỗ trợ của Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bạc Liêu nên bà L. không mất gần 1 tỷ đồng vào tay kẻ gian.

Nhận được tin báo, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bạc Liêu lập tức cử cán bộ đến ngân hàng nắm vụ việc, giải thích, đề nghị bà L ngừng chuyển tiền cho nhóm đối tượng lừa đảo; đồng thời, thực hiện các bước đảm bảo an toàn thông tin tài khoản và số tiền trong tài khoản của bà L, tránh được việc mất tiền vào tay tội phạm lừa đảo.

Nâng cao cảnh giác

Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo tài sản thông qua những cuộc gọi giả danh, một số đối tượng còn cắt ghép hình ảnh, thậm chí đặt mua quần áo giả mạo trang phục CAND để mặc rồi đăng lên mạng xã hội với nhiều mục đích như: Câu like, câu view, tạo lòng tin bán hàng online, hoặc tạo vỏ bọc “bảnh bao” để dễ dàng kết bạn, làm quen với chị em phụ nữ nhẹ dạ cả tin, sau đó dụ dỗ lừa đảo thậm chí cưỡng đoạt tài sản.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bạc Liêu tiến hành làm việc với Lương Tấn Nhẫn (SN 1993, ngụ xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) để điều tra, xử lý về hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND. Theo đó, Nhẫn đặt mua trên Facebook 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, sau đó mặc để quay video, livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok nhằm câu like, câu view từ cộng đồng mạng. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Nhẫn đã nhận thức việc làm sai trái của mình nên giao nộp những bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, đồng thời gỡ toàn bộ hình ảnh, video liên quan trang phục CAND đã đăng trên mạng xã hội.

Cạnh đó, các đối tượng còn gọi điện tự xưng là Công an yêu cầu người dân dân chụp ảnh Căn cước, giấy tờ tùy thân để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản.

Lương Tấn Nhẫn mua 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, sau đó mặc để quay video, livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok.

Lương Tấn Nhẫn mua 3 bộ quần áo giả mạo trang phục CAND, sau đó mặc để quay video, livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok.

Trung tá Nguyễn Đức Phong, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Qua đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, có thể thấy các đối tượng thường nhắm vào người lớn tuổi, ít cập nhật thông tin phản ánh trên báo chí; thiếu kiến thức về bảo mật thông tin cũng như ít hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Nhất là những chị em phụ nữ thường xuyên sử dụng mạng xã hội, nhẹ dạ, cả tin.

Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền trong tài khoản, hoặc lo sợ bị mất uy tín, bị đối tượng trả thù nên không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý”.

“Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo tài sản trên không gian mạng, mọi người dân cần lưu ý cảnh giác khi nhận các cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… để yêu cầu điều tra vụ án. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như số Căn cước, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại… cho người lạ.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ cào điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản, nhờ nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội để tránh bị đánh cắp thông tin vào mục đích xấu”, Trung tá Nguyễn Đức Phong khuyến cáo.

Đọc thêm