Bạc Liêu thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, cùng với tư duy ngại thay đổi phương thức, tập quán canh tác nên chưa tham gia sâu vào các chuỗi liên kết.
Năm 2023, Bạc Liêu xuất khẩu thủy sản đạt 95.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch.
Năm 2023, Bạc Liêu xuất khẩu thủy sản đạt 95.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch.

Ngày 9/5, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị sơ kết “Đánh giá tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua và triển khai nhiệm vụ 2024 - 2025”.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản còn chậm, chủ yếu đối với lĩnh vực trồng trọt (chiếm 48,88% diện tích gieo trồng); việc liên kết trong các lĩnh vực thủy sản, diêm nghiệp, chăn nuôi thì rất ít và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Do đó, việc sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm phải khẳng định là hướng đi đúng, là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, kinh tế dựa vào lĩnh vực thủy sản và lúa, gạo... là chủ yếu.

Tại Hội nghị, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ đánh giá tình hình chế biến và xuất khẩu thủy sản và định hướng trong thời gian tới. Do nhu cầu của các thị trường trên thế giới tăng trở lại, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Điều này đã và đang giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển.

Cũng tại sự kiện, đại diện các sở, ngành, hợp tác xã... đã thảo luận, trao đổi, qua đó giúp tỉnh Bạc Liêu định hướng được các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và bền vững.

Kết luận Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đặc thù của tỉnh, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, thì theo tôi, chúng ta phải có các giải pháp hiệu quả, thiết thực nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa 6 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối.

Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất với thị trường; để liên kết thực sự đi vào chiều sâu thì cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại. Đồng thời cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia để cùng có lợi.

“Thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các cấp, đơn vị... tập trung đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; Tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay…”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nói.

Đọc thêm