Muối Bạc Liêu được nâng lên tầm cao mới
Ban Giám khảo chấm điểm cho các đội thi chế biến và trình diễn các món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu. |
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Ngọc – Tổng thư ký Hội Ẩm thực Việt Nam đã thông qua quyết định xác lập kỷ lục: Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu nhiều nhất Việt Nam.
Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận, 122 món ăn được Hội đồng các chuyên gia – nghệ nhân về văn hóa ẩm thực đến từ Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam tư vấn và giám sát chất lượng, được 60 đầu bếp của 12 đội thi chế biến hết sức công phu từ thành phần chính là tôm và muối Bạc Liêu. Hơn cả những số lượng thông thường. Đồng thời, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đánh giá cao ý tưởng cũng như sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của ban tổ chức để góp phần quảng bá ẩm thực - đặc sản của Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bạc Liêu có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển ngành nghề nuôi tôm. Đến nay, ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” khu vực ĐBSCL và cả nước. Tỉnh đứng thứ 2 cả nước về sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia.
“Từ kinh nghiệm sản xuất của người xưa và những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật ngày nay, hạt muối Bạc Liêu đã được nâng lên tầm cao mới! Nghề muối Bạc Liêu được vinh danh từ bao nhiêu gian truân, khổ nhọc và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” – ông Phan Thanh Duy chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, ông Phan Thanh Duy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu. |
Tại Lễ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam, 122 món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu đã được 60 đầu bếp chuyên nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở ẩm thực của Bạc Liêu chế biến công phu, chăm chút từ khâu chọn nguyên liệu đến trang trí tỉ mỉ từng chi tiết để tạo nên những món ngon mang đậm hương vị tôm và muối Bạc Liêu.
Đây là thành quả và cũng là tình cảm của các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp trong và ngoài tỉnh dành cho Bạc Liêu. 12 đội thi trình diễn xuất sắc nhiều món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu như: Tôm nướng gỏi củ cải; tôm xào ngũ sắc; gỏi tôm củ hủ dừa; tôm xào măng tây; tôm chiên trứng muối; gỏi tôm củ hủ dừa; tôm xào măng tây; tôm bọc hạnh nhân chiên giòn; chả giò tôm Quảng Đông; Sushi tôm tổng hợp; tôm rang tứ xuyên; gỏi tôm miến thái; mì ý tôm sốt cà chua cay,…
Đặc biệt, sự độc đáo của các món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu, qua sáng tạo của các đầu bếp, Bạc Liêu đã được xác lập kỷ lục Việt Nam với nội dung: Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu nhiều nhất Việt Nam.
Những giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành Tôm và Muối Bạc Liêu
Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành Tôm và Muối Bạc Liêu” là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện “Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022”. Đây là Hội thảo quan trọng của ngành Nông nghiệp góp phần phát triển nghề muối, tôm Bạc Liêu phát triển hiệu quả, bền vững.
Thực hiện Kết luận của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu theo Thông báo kết luận số 326/TB-VPCP ngày 13/10/2016 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho phép Bạc Liêu xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và UBND tỉnh đã phê duyệt và đang triển khai thực hiện.
Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành Tôm và Muối Bạc Liêu”. |
Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Khi nhắc đến hạt muối thì Bạc Liêu vốn nổi tiếng là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, người ta gọi muối Bạc Liêu là “muối Ba Thắc” và đặc biệt là với điều kiện tự nhiên đặc thù của tỉnh nên muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng, muối có độ mặn nhưng không đắng, chát. Nghề muối tại Bạc Liêu trải qua hơn 100 năm phát triển, mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống và mang đầy đủ các đặc trưng của đời sống dân gian, được truyền nghề qua nhiều thế hệ, có rất nhiều hộ gia đình có từ 03 thế hệ làm nghề Muối trở lên, đặc biệt có gia đình đã đến thế hệ thứ 6 nối nghiệp.
Đặc biệt, sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013 và cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, cho đến nay, muối Bạc Liêu cũng là sản phẩm duy nhất được đưa vào thị trường Nhật, điều đó cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước.
“Mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp cho Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”, và nghề muối tỉnh Bạc Liêu xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, hướng tới làm giàu bằng nghề muối” - ông Lê Tấn Cận đề nghị.
Ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị Tôm – Muối. |
Xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh, khuyến khích phát triển hình thức nuôi công nghệ cao mô hình nông hộ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình giám sát dịch bệnh, vùng giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Trình Trung Phi - Giám đốc kỹ thuật Tập Đoàn Việt Úc, Phó Chủ tịch Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam, chia sẻ những giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành Tôm Việt Nam công nghệ cao thực sự bền vững: “Để đảm bảo tôm giống chất lượng và sạch bệnh, hệ thống công trình phục vụ cho việc ương dưỡng tôm giống phải đảm bảo các điều kiện tối ưu. Phải tiến hành kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho toàn bộ các cơ sở sản xuất tôm giống nước lợ và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở này.
Việc nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả và bền vững đòi hỏi chúng ta phải phát triển và quản lý như một khu công nghiệp về hạ tầng cũng như các công nghệ áp dụng một cách đồng bộ. Khu công nghiệp nuôi tôm có thể chuyển giao công nghệ nuôi và hạ tầng nuôi đồng bộ và tốt nhất cho người nuôi. Hệ thống ao lắng và xử lý nước thải sẽ do khu công nghiệp quản lý nên các vấn đề về môi trường, lây lan mầm bệnh có thể được kiểm soát. Để đạt được vấn đề này, nhà nước phải có các cơ chế chính sách hợp lý về đất đai, quyền sở hữu để thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp như thế này. Các nhà cung cấp đầu vào, các nhà máy chế biến sẽ có các liên kết chặt chẽ để nâng cao hiệu quả của người nuôi cũng như nhà đầu tư cho các khu công nghiệp.
Đối với vấn đề dịch bệnh trên tôm thẻ và tôm sú, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về phòng và trị bệnh có hiệu quả các bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng. Việc này cần áp dụng từ khâu vệ sinh cho đến chăm sóc tôm nuôi, từ loại hình ương vèo cho đến khả năng thuần nước trước khi sang tôm để không ngừng nâng cao hiệu quả của loại hình này”.