Bắc Ninh: 'Quả ngọt' từ chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo - Bài 1: Khơi dậy khát vọng đổi mới và phát triển giáo dục toàn tỉnh

(PLVN) - Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển giáo dục của Việt Nam. Tại Bắc Ninh, việc thực hiện Nghị quyết này đã mang lại những thành tựu quan trọng, khẳng định vị trí tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khen thưởng và chúc mừng cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác năm học 2023-2024. (Ảnh: Huyền Trang).

Quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Ngày 4/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.” (Nghị quyết 29). Nghị quyết này đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Để đưa Nghị quyết số 29 đi vào cuộc sống, tỉnh Bắc Ninh đã nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết đồng bộ, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau ngày tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh là một địa phương nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đóng góp không đáng kể vào GDP cả nước. Giáo dục Bắc Ninh với điểm xuất phát còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục nằm trong nhóm trung bình khá so với toàn quốc.

Tuy nhiên, nhờ các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển của tỉnh, giáo dục Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Bắc Ninh hiện đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ số kinh tế - xã hội đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Bắc Ninh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về giáo dục, trở thành một trong những tỉnh có phong trào giáo dục mạnh nhất toàn quốc.

Để thực hiện Nghị quyết 29 hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành hơn 2.000 văn bản chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra Chương trình hành động số 56-CTr/TU và các nghị quyết, kết luận quan trọng như Nghị quyết số 12-NQ/TU và Kết luận 117-KL/TU nhằm đổi mới giáo dục toàn diện từ năm 2014 đến 2030.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 27 Nghị quyết chuyên đề về GDĐT; UBND tỉnh ban hành 43 văn bản triển khai thực hiện các nội dung, chương trình về GDĐT. Trong đó có 16 Quyết định phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch, các quy định về thu, chi tài chính..., trong đó các mục tiêu phấn đấu đến 2025, GDĐT Bắc Ninh đứng trong tốp đầu cả nước; đến năm 2030, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực hội nhập quốc tế.

Việc triển khai Nghị quyết 29 không chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền mà còn đi vào thực chất thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các chỉ tiêu phát triển giáo dục đều được tích hợp vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp nâng cao chất lượng giáo dục và tạo sự chuyển biến rõ nét trong toàn bộ hệ thống giáo dục.

“Sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của tỉnh cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã tạo điều kiện để Bắc Ninh chuẩn bị các điều kiện cũng như từng bước thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo”, người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh Bắc Ninh khẳng định.

Thúc đẩy, đổi mới căn bản, toàn diện từ cơ sở đến phương pháp

Ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh và đại biểu trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho học sinh đạt giải Ba học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024. (Ảnh: Huyền Trang).

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu và đã triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách nghiêm túc và quyết liệt. Qua nhiều nghị quyết, chương trình và kế hoạch phát triển giáo dục, tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục, từ quy mô trường lớp đến cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân.

Tỉnh cũng triển khai các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục tiêu cực trong giáo dục. Quản lý các khoản thu, công tác dạy thêm, học thêm được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác thanh tra giáo dục được tăng cường, đảm bảo tính minh bạch, công khai và xử lý kịp thời những sai phạm. Đặc biệt, các biện pháp chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục đã được thực hiện chặt chẽ, với quy định cụ thể về mức thu học phí.

Năm học 2022-2023, tỉnh đã hỗ trợ miễn học phí cho 100% học sinh mầm non và phổ thông, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình.

Bắc Ninh cũng đã triển khai đồng bộ mục tiêu và chuẩn đầu ra cho các bậc học. Trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Học sinh lớp 5 và lớp 9 phải đạt yêu cầu về kiến thức, năng lực để hoàn thành bậc học. Học sinh lớp 12 phải đảm bảo đủ điều kiện hạnh kiểm và học lực để xét tốt nghiệp, việc xét duyệt được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo.

Cùng với đó, việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh đã được thực hiện mạnh mẽ. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai trên toàn tỉnh, trong đó có biên soạn tài liệu lịch sử địa phương và dạy hát dân ca quan họ. Các chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình và tốt nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu.

Song song với việc đổi mới nội dung giáo dục, Bắc Ninh còn không ngừng đầu tư vào hạ tầng giáo dục. Nhiều trường học chất lượng cao như: cụm trường tại phường Suối Hoa, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, cùng với 6/8 trường THCS trọng điểm đã được xây dựng và trang bị hiện đại. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tại Bắc Ninh luôn nằm trong nhóm cao nhất cả nước, đảm bảo môi trường học tập tốt cho giáo viên và học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Từ Sơn. (Ảnh: Huyền Trang).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cũng là một điểm nhấn quan trọng. Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ dạy học” đã được triển khai, giúp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ năm 2013, 100% cơ sở giáo dục tại Bắc Ninh đã được kết nối Internet cáp quang tốc độ cao, đồng thời trang bị phòng học trực tuyến, góp phần cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dạy học.

Đội ngũ giáo viên tỉnh Bắc Ninh cũng đạt chuẩn chất lượng cao, với 96,7% giáo viên đạt chuẩn và 40,6% có trình độ trên chuẩn. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống được chú trọng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện sắp xếp lại hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đưa về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, và hợp nhất các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề thành các trung tâm GDNN-GDTX. Hiện, Bắc Ninh có 48 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với các chương trình đào tạo nghề được đổi mới phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 400.000 người, với 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các hình thức thi, kiểm tra và đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo tính công bằng và giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh. Tỉnh cũng chú trọng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm và giáo dục STEM, giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Từ Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 29, nhà trường chú trọng đổi mới công tác quản lý GDĐT. Trong đó nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm của Ban Giám hiệu; nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của đội ngũ giáo viên; phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh trong dạy và học.

Trong năm học 2023-2024, Trường THCS Từ Sơn đã đạt kết quả xuất sắc nhất trong lịch sử nhà trường cũng như trong các trường trọng điểm, với 89 giải thưởng (bao gồm 8 giải nhất, 34 giải nhì, 24 giải ba, và 23 giải khuyến khích). Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT chuyên trong hai năm học gần đây đã tăng từ 35% lên 50%, minh chứng cho sự thành công của những nỗ lực đổi mới và phát triển toàn diện tại Trường THCS Từ Sơn.

Theo đó, ngoài việc dạy học trên lớp, nhà trường còn chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu khoa học. Giáo dục của nhà trường được kết hợp chặt chẽ với giáo dục từ gia đình và cộng đồng, tạo nên một môi trường học tập phong phú và toàn diện.

Đặc biệt, nhà trường đã tăng cường công tác tham mưu các cấp, ngành và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước về GDĐT. Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục, Trường THCS Từ Sơn đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của khối THCS, được xem là “con chim đầu đàn” của ngành giáo dục Thành phố Từ Sơn.

(Còn tiếp...)

Đọc thêm