Chứng gối ưỡn
Bác sĩ Hưng, thành viên dự án triển khai phương pháp vật lí trị liệu vào điều trị gối ưỡn, trình bày: Đa phần bệnh nhân tai biến, đột quỵ đều chú trọng vào việc chữa trị bộ não, nóng vội cử động chân tay. Tâm lí chung là bản thân người bệnh chỉ mong muốn đi được là mừng. Chính vì vậy, không mấy ai chú ý đến dáng đi của mình, dần dần gây biến dạng.
Cụ thể, do nóng vội đi lại và sợ đau nên người bệnh đi lại nhón gót, ưỡn đầu gối về phía sau. Dần dần, xương đầu gối bị ưỡn về sau. Đặc biệt ở người bị tai biến hoặc đột quỵ, bệnh nhân không thể điều khiển khớp gối như bình thường. Khi đó đầu gối sẽ có xu hướng ưỡn ra sau để khóa khớp gối, tránh bị sụp gối. Tư thế vận động này đòi hỏi ít hoạt động cơ đùi nên được bệnh nhân lựa chọn theo thói quen, lựa chọn một cách vô thức.
Chứng gối ưỡn như lời bác sĩ Hưng, đã xuất hiện từ lâu nhưng mãi đến thời gian gần đây mới được quan tâm. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, dáng đi khập khiễng, mà gối ưỡn còn là nguyên nhân gây thoái hoá khớp gối.
Biểu hiện rõ nhất là triệu chứng đau đầu gối. Sau quá trình tai biến, đầu gối sẽ chuyển sang gấp quá mức và trở nên cứng nhắc không duỗi ra được do cứng cơ đầu đùi, cứng cơ tam đầu ở cẳng chân. Mặt khác, cơ đùi yếu nên người bệnh không thể kiểm soát đầu gối cũng là nguyên nhân dẫn đến gối ưỡn. Điều đáng lo ngại nhất là đa phần bệnh nhân bị gối ưỡn đều không phát hiện ra bệnh, chỉ nhận thấy khi có triệu chứng đau (tức đã chuyển sang giai đoạn thoái hoá khớp).
Về nguyên tắc, gối ưỡn hoàn toàn chữa trị khỏi. Bệnh nhân đặc biệt cần lưu ý, gối ưỡn có thể phục hồi nhiều nhất trong thời gian 6 tháng đối với chân, 3 tháng đối với tay. Khớp khuỷu tay cũng dễ bị ưỡn về phía sau nhưng ít gặp hơn ở chân. Nếu phát hiện bệnh càng sớm, đồng nghĩa cơ hội phục hồi càng cao.
Thực tế tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân gối ưỡn nhập viện khi đã mắc phải từ 1 - 2 năm nên cơ hội thành công cực kì thấp. Thậm chí có trường hợp gối cong hình chữ “C”. “Để bị gối ưỡn hoàn toàn không đáng, chỉ cần gia đình, bản thân bệnh nhân lưu ý tập luyện dáng đi đúng sẽ tránh được”, bác sĩ Hưng nói.
Tự tập luyện chống gối ưỡn
Phòng tránh chứng gối ưỡn như đã nói ở trên, trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến, đột quỵ, đòi hỏi người tập phải cố gắng cử động chân và tay theo đúng tư thế. Cụ thể là đi phải thẳng chân, toàn bộ bàn chân tiếp xúc với nền. Tương tự tay cũng vậy. Còn khi phát hiện đã bị gối ưỡn, vật lý trị liệu được xem là “cứu tinh”.
Phương pháp không cần sử dụng thuốc mà chủ yếu tập luyện. Mới đây, các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài đã ứng dụng nẹp vào hỗ trợ phục hồi gối ưỡn. Theo đó, sử dụng nẹp chỉnh hình cổ bàn chân AFO (dùng khi bị co cứng cơ tam đầu cẳng chân, có thể hỗ trợ nâng đỡ cẳng chân khi tập) và nẹp gối chống ưỡn dùng khi vận động cổ chân tương đối tốt.
Bác sĩ Hưng phân tích rõ, không nhất thiết phải dùng nẹp nhưng nếu có nẹp, quá trình phục hồi dễ đạt hiệu quả cao. Nẹp AFO giúp điều chỉnh cẳng chân về trung tính và giữ vững cẳng chân tạo thuận cho kiểm soát khớp gối phía trên. Trong trường hợp cổ chân còn vận động tương đối tốt, việc mang nẹp AFO sẽ cản trở vận động cổ chân. Lúc này nẹp gối chống ưỡn sẽ phù hợp hơn: Đặt gối vào tư thế trung tính hay gấp nhẹ để giúp khớp gối làm quen với tư thế mới. Chỉ nên đeo nẹp khi tập đi.
|
Bệnh nhân gối ưỡn tập luyện kiểm soát đầu gối |
Tuỳ theo từng trường hợp mà áp dụng dụng cụ phù hợp, không nên sử dụng đồng thời cả 2 loại nẹp. Tất nhiên với những ca nhập viện muộn, gần như phải mang nẹp suốt đời. Ngược lại, trị liệu càng sớm thì chỉ cần mang nẹp vài tháng sau đó tháo nẹp đã có thể vận động bình thường: “Nẹp có chức năng chỉnh biến dạng, hỗ trợ chức năng và bảo vệ chấn thương (trường hợp chấn thương do tai nạn)”, bác sĩ Hưng nói.
Áp dụng vật lí trị liệu cần tuân thủ quy tắc theo từng giai đoạn. Thông thường sau khi đeo nẹp 2 tuần, cần kiểm tra, chỉnh nẹp nhằm nắn xương khớp gối dần về trạng thái bình thường. Mặt khác, việc đeo nẹp gây cảm giác khó chịu, nhiều trường hợp gây trầy xước da, đau nhức trong thời gian đầu nên người bệnh phải chịu khó, kiên trì.
Tiếp đó, tuỳ theo mức độ phục hồi từng người mà giảm thời gian mang nẹp dần dần, để người bệnh độc lập di chuyển. Tất nhiên nẹp chỉ là công cụ hỗ trợ, còn mấu chốt nằm ở bản thân người bệnh. Và dù tập luyện bằng phương pháp nào đi nữa, bản thân người bệnh phải đạt được hai mục đích: Làm giãn cơ và kiểm soát khớp gối khi đi.
Điều này đòi hỏi sự cảm nhận tốt vị thế khớp, co cơ và thư giãn cơ đúng lúc. Trong khi ở bệnh nhân liệt nửa người do tổn thương não, nhiều yếu tố ảnh hưởng lên sự điều khiển vận động gối như suy giảm cảm giác, co cứng cơ nên việc kiểm soát cơ đùi cực kì kém.
Trong quá trình trị liệu, ngoài các bài tập kéo giãn, chịu sức nặng trên chân liệt ở tư thế đúng, nên kết hợp những bài tập kiểm soát khớp gối. Nói về phương pháp dùng nẹp phục hồi gối ưỡn, bác Hưng cho biết, trên thế giới đã áp dụng từ lâu, nhưng ở Việt Nam chỉ mới đưa vào ứng dụng vài năm gần đây. Hơn nữa, mức độ phổ cập của phương pháp này còn quá mỏng, rất ít bệnh nhân biết đến.
Lại nói về hiệu quả của phương pháp vật lí trị liệu sử dụng nẹp hỗ trợ phục hồi chứng gối ưỡn. Thời gian vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành điều trị thử nghiệm cho 5 bệnh nhân có tình trạng kiểm soát khớp gối trung bình kém. Hai trường hợp phải mang nẹp kéo dài (1AFO, 1 nẹp gối chống ưỡn). Hai trường hợp bỏ nẹp sau 1 tháng điều trị (1AFO, 1 nẹp gối chống ưỡn). Kết quả, một trường hợp cải thiện mà không cần dùng nẹp. Những bệnh nhân gối ưỡn còn lại, sau thời gian điều trị đều được cải thiện đáng kể, nhất là những người trẻ tuổi và can thiệp sớm. /.