Bài học BOT Cai Lậy

(PLO) -Mấy ngày nay, dư luận “nóng” lên vì “Cuộc chiến tiền lẻ” ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Có lẽ đã đến lúc một bộ phận người có chức, có quyền phải thay đổi tư duy quản trị... 

Đã đến lúc thay vì tư duy “xin – cho” bằng tư duy phục vụ. Điều gì thuộc về thị trường, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường – dẫu có định hướng. Không được dùng hành chính, thậm chí pháp luật “can thiệp” vào những quan hệ kinh tế, dân sự.

Trước hết, hãy thay đổi tư duy và phương pháp luận, thay cách nhìn những người tài xế đang dùng “tiền lẻ” hoặc bóp còi inh ỏi qua Trạm BOT như những kẻ “quá khích”, gây rối trật tự giao thông trên tuyến đường bằng cách nhìn, chính họ đã và đang đóng góp cho các nhà quản trị đất nước trong việc bổ sung, sửa đổi chính sách, luật pháp, lớn hơn thế là tư duy về quản trị đất nước hiện nay.

Những căng thẳng kéo dài ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy không đơn thuần là xung đột kinh tế, nếu Nhà nước không  xử lý hợp lý, hợp tình trường hợp Cai Lậy sẽ có nguy cơ trở thành  xung đột xã hội về BOT. Trường hợp một cá nhân tài xế tranh chấp với trạm thu phí, trên bề mặt đó là một xung đột dân sự giữa hai bên. Nhưng Nhà nước không “vô can’’ bởi “đại diện” của mình đóng vai trò đại diện, là bên ký kết hợp đồng với chủ đầu tư – quyết định vị trí đặt trạm, quyết định mức phí, thời hạn thu phí. Ba bên: người dân; nhà đầu tư và Nhà nước đều có trách nhiệm liên quan; chứ không phải là xung đột kinh tế đơn thuần giữa một doanh nghiệp cụ thể và người dân.

Hơn thế nữa, khi rất nhiều tài xế tìm được sự đồng thuận để tập hợp lại với nhau – đó là một sự phản kháng để để tỏ thái độ bất bình, một cách hợp pháp và bất đắc dĩ, khi những người đại diện tiếp thu ý kiến của nhân dân/ở đây là người dân bị áp đặt mức thu phí, hoàn toàn vô hiệu.

Hình thức đầu tư dự án BOT là cần thiết, bởi đất nước phải đa dạng hóa nguồn lực, trong khi vốn của Nhà nước hạn hẹp nhưng quyền tự do đi lại của người dân phải đặt lên cao nhất. Điều 23 Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định “Công dân có quyền tự do đi lại”.

Do vậy, việc quyết định cho triển khai dự án BOT trước hết phải đặt trên nguyên tắc: Nhà nước trước tiên bảo đảm quyền đi lại cho người dân như là quyền cơ bản. Cụ thể, đối với những quốc lộ chính, không thể cho phép làm BOT mà cần đầu tư trực tiếp từ ngân sách. Như thông lệ mọi quốc gia khác, hạ tầng (đường/cầu/hầm...) BOT chỉ được xây như là phương án bổ sung thêm cho một hạ tầng giao thông sẵn có. Nhu cầu đi lại cơ bản của tất cả công dân được đáp ứng bằng các quốc lộ. Những ai muốn đi nhanh hơn thì trả thêm tiền để đi cao tốc/đi hầm ngầm BOT do tư nhân bỏ vốn xây. Quốc lộ 1A, huyết mạch không phải là nơi “đơm đó”, “thả lừ” của doanh nghiệp, những người yêu “túi tiền” của họ hơn bất cứ thứ gì.

Khi kinh tế, đời sống đạt đến một mức độ nhất định, người dân sẽ quan tâm nhiều đến các giá trị xã hội hơn là những ích lợi kinh tế đơn thuần. Đây chính là bài học ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy. 

Đọc thêm