Bài học “đắt” từ vụ bê bối từ thiện “rúng động” Canada

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo đánh giá của dữ liệu khảo sát toàn cầu của Chỉ số Cho đi Toàn cầu WGI (World Giving Index), Canada nằm thứ 6 trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ người dân tham gia từ thiện lớn nhất thế giới. Chính vì vậy, bê bối từ thiện liên quan tới Thủ tướng Justin Trudeau và tổ chức WE Charity vào năm 2020 đã ghi một dấu ấn quá khó quên đối với người dân nước này.
Vợ chồng Thủ tướng Justin Trudeau đứng cạnh hai nhà sáng lập của WE.

Vợ chồng Thủ tướng Justin Trudeau đứng cạnh hai nhà sáng lập của WE.

Thủ tướng vướng vào bê bối từ thiện

Vào tháng 6/2020, Chính phủ Canada đã ký hợp đồng với tổ chức từ thiện WE Charity để thực hiện chương trình hỗ trợ cho các sinh viên bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu COVID-19. Kinh phí của chương trình lên tới 912 triệu đôla Canada, quy mô tham gia lên tới 100.000 sinh viên tình nguyện Canada. Theo thoả thuận, Tổ chức WE sẽ nhận được tới 43,5 triệu đôla Canada để điều hành toàn bộ chương trình.

Được biết, WE Charity là một tổ chức từ thiện do anh em Craig và Marc Kielburger sáng lập từ khi còn là thiếu niên, đặt trụ sở làm việc tại thành phố Toronto. Suốt 25 năm qua, Tổ chức này đã phát triển thành một mạng lưới các tổ chức chuyên xây dựng trường học và đào giếng nước ngọt cho các quốc gia nghèo, đang phát triển như Kenya, Nicaragua,...

Tổ chức WE từng được các công ty, chính trị gia và những người nổi tiếng trong danh sách Fortune 500 ca ngợi về những cống hiến. Không chỉ thế, WE Charity còn tạo cảm hứng cho giới trẻ Canada tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, thông qua các chương trình, sự kiện trong và ngoài trường học dành cho người trẻ. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham gia diễn thuyết như Hoàng tử Harry, Malala Yousafzai, ông Trudeau và cả vợ ông, bà Sophie Gregoire Trudeau.

Không lâu sau khi thông tin này được công bố, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau lúc bấy giờ đã nhanh chóng gặp phải rắc rối khi xuất hiện thông tin Tổ chức từ thiện WE nhận được đối xử ưu đãi do có mối liên hệ với gia đình của cả hai nhà chính trị này. Vì vụ lùm xùm này mà ông Trudeau và Bộ trưởng Tài chính Morneau bị các đảng phái đối lập yêu cầu từ chức. Mặt khác, đây cũng là vụ lùm xùm tai tiếng thứ ba của ông Trudeau kể từ khi giữ cương vị Thủ tướng Canada, khiến cho ông bị điều tra về vấn đề đạo đức.

Về Trudeau, có thông tin cho rằng trước đây vợ, mẹ và anh trai của Trudeau đã nhận được hàng trăm nghìn đô la để xuất hiện tại các sự kiện từ thiện của WE. Ủy viên Đạo đức Mario Dion cho biết, mặc dù có thể xuất hiện lợi ích do mối quan hệ của gia đình ông với tổ chức từ thiện này, nhưng không có bằng chứng cho thấy Thủ tướng đã vi phạm pháp luật. Các nhân chứng điều trần trước Quốc hội Canada cũng cho biết ông Trudeau không tham gia việc chọn WE Charity điều hành chương trình thiện nguyện của Chính phủ nói trên mà việc chọn lựa này do các cơ quan công vụ độc lập thực hiện, rồi mới đề xuất lên nội các phê chuẩn.

Về phần nguyên Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau, ông thừa nhận đã ký một tấm séc trị giá 41.366 đôla Canada cho Tổ chức WE Charity. Tuy nhiên, ông cho biết bản thân không hề biết số tiền kia không trả đủ số tiền chi phí trong 2 chuyến đi đến Kenya và Ecuador mà WE đã thanh toán. Mặt khác, Morneau đã từng quyên góp cho Tổ chức này 100.000 đôla Canada. Việc này bị giới quan sát cho là có lợi ích, bởi con gái ông Morneau lúc bấy giờ đang làm việc cho WE Charity.

Theo tờ Globe (Canada), cả Morneau và Trudeau đều phủ nhận mọi cáo buộc. Giới chuyên gia chính trị cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy ông Trudeau hay ông Morneau đã trục lợi tài chính từ hợp đồng giao cho WE Charity quản trị chương trình tình nguyện hè. Dù vậy, hai chính trị gia vẫn xin lỗi toàn dân và Chính phủ Canada đã hủy hợp đồng với Tổ chức WE trước sự phẫn nộ của dư luận. Bộ trưởng Tài chính Morneau đột ngột từ chức vào tháng 8/2020.

Một chiến dịch của WE đấu tranh cho quyền trẻ em.

Một chiến dịch của WE đấu tranh cho quyền trẻ em.

Về phía Tổ chức từ thiện WE, vụ lùm xùm đã khiến cho nhiều nhà tài trợ lớn như Walgreens “quay lưng” với Tổ chức này. Craig Kielburger, nhà đồng sáng lập WE Charity đã lo ngại vụ bê bối có thể hủy hoại tổ chức từ thiện của hai anh em ông. Cuối cùng, điều đó đã trở thành sự thật. WE đã phải tuyên bố dừng hoạt động của Tổ chức này tại Canada.

Chia sẻ trước báo giới về vụ việc nêu trên, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Erin O’Toole đã yêu cầu phải ngay lập tức bổ sung các quy định pháp luật về trách nhiệm giải trình của NGO tại Canada. Ông tuyên bố: “Hệ thống pháp luật đã xuất hiện vết đứt gãy. Do đó, chúng ta cần phải bịt các “lỗ hổng” và Thủ tướng của chúng ta nên lãnh đạo đất nước bằng đạo đức và sự gương mẫu”.

Sau cùng, mãi đến năm 2021, Ủy viên Đạo đức Mario Dion kết luận rằng Trudeau đã không dành sự ưu đãi cho Tổ chức từ thiện WE khi tổ chức này được chọn vào chương trình viện trợ cho sinh viên trong mùa hè năm 2020 trước tác động của dịch bệnh.

Bài học “đắt” khi để niềm tin bị “xói mòn”

Vụ bê bối từ thiện của Tổ chức WE đã để lại nhiều ngỡ ngàng, phẫn nộ, tiếc nuối đối với dư luận, góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của Tổ chức này ở Canada. Đồng thời, sự kiện này đã dấy lên một cuộc tranh luận mới trong giới chuyên gia tại Canada về mức độ đáng tin cậy của các hoạt động từ thiện và trách nhiệm giải trình của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Câu hỏi đặt ra xoay quanh việc các tổ chức NGO hoạt động từ thiện cũng có tổ chức các hoạt động vì lợi nhuận, thì cách phân bổ quỹ tài chính, tổ chức vận hành đã thực sự minh bạch với các nhà tài trợ và công chúng hay chưa?

Chương trình từ WE giúp xây dựng các trường học tại Kenya.

Chương trình từ WE giúp xây dựng các trường học tại Kenya.

Theo TS kinh tế Nelson Duenas từ Đại học Concordia (Canada), điều đáng lo ngại hơn chính là niềm tin của công chúng đối với các hoạt động từ thiện đã bị mất đi khó có thể lấy lại được. Thông thường, khi có những thông tin cáo buộc về sự thiếu minh bạch của các hoạt động từ thiện, công chúng thường yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và giám sát kỹ hơn, đồng thời các tổ chức từ thiện cũng phải có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, một số nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, dù vụ việc đã được giải trình về sau, mức độ tin cậy giữa các nhà tài trợ, tổ chức và công chúng đối với hoạt động từ thiện chưa chắc đã được phục hồi như trước.

Điều này phần nào giải thích vì sao sau khi vụ bê bối từ thiện nêu trên đã giải trình xong, Tổ chức WE Charity vẫn khó lòng hoạt động trở lại được tại Canada. Bởi lẽ, họ đã mất đi niềm tin từ công chúng. Khách quan mà nói, sự thành công của các dự án từ thiện phụ thuộc phần lớn vào sự tin tưởng mà công chúng dành cho họ. Các giá trị cốt lõi mà công chúng mong đợi nhất từ những hoạt động này chính là tính minh bạch và lòng nhân từ.

Theo các nhà nghiên cứu, sự minh bạch đó không chỉ đơn giản là tuân thủ các thủ tục hành chính về giải trình trước pháp luật sau khi đã bị đấu tố, mà thay vào đó họ có thể tự giác công khai và tiết lộ những thông tin giải trình quan trọng trước công chúng và các nhà đầu tư.

Trong trường hợp của Tổ chức WE, các nhà khoa học cho rằng, chính sự thiếu giao tiếp và thiếu minh bạch thông tin với công chúng là sai lầm lớn nhất. Trên lý thuyết, Tổ chức từ thiện WE có thể là đối tác tốt nhất để thực hiện chương trình tài trợ cho sinh viên. Bởi Tổ chức này có bề dày kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về năng lực và cơ sở vật chất, có mục đích kết nối sinh viên với các cơ hội tình nguyện. Tuy nhiên, việc không minh bạch từ sớm đã làm “xói mòn” lòng tin của công chúng với Tổ chức này, góp phần dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của thoả thuận hợp tác thiện nguyện với Chính phủ Canada và đặt “dấu chấm hết” cho hoạt động thiện nguyện của WE tại quốc gia này.

Vụ bê bối thiện nguyện của Tổ chức WE Charity liên quan đến cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau và nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Bill Morneau, được xem là bài học “cảnh tỉnh” đối với rất nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện trên thế giới. Từ câu chuyện này cho thấy, từ thiện theo đúng pháp luật là một yếu tố tiên quyết nhưng quan trọng hơn hết, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động từ thiện một cách thực chất mới là yếu tố nâng cao sự tin tưởng của công chúng đối với các cá nhân, tổ chức làm từ thiện.

Đọc thêm