Bài học lớn nhất của phong trào thi đua

(PLVN) -  Hôm qua (11/6), tại Hà Nội diễn ra một sự kiện quan trọng. Đó là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).
Thủ tướng trao đổi, giao lưu với các gương điển hình tiên tiến tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng trao đổi, giao lưu với các gương điển hình tiên tiến tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc - Ảnh VGP/Nhật Bắc

75 năm qua, chúng ta từng chứng kiến, mỗi giai đoạn cách mạng đều có những phong trào thi đua yêu nước khác nhau, hướng vào thực hiện những mục tiêu cụ thể từng giai đoạn. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “khai sinh” ra phong trào đã nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Trong diễn văn tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, đây chính là bài học lớn nhất của phong trào thi đua yêu nước 75 năm qua. Thời cách mạng còn “trứng nước”, Bác đã kêu gọi thi đua và từng nhận định: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ngày ngày thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”. (Thư chúc Tết Xuân Kỷ Sửu, năm 1949).

Hiện nay trong phong trào thi đua yêu nước, có những điểm mới để phù hợp hoàn cảnh mới như việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Với ngành Tư pháp nói riêng, những nhiệm vụ quan trọng phong trào thi đua yêu nước tập trung thực hiện là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; báo chí, xuất bản; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật…

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội cũng nhắc đến vấn đề khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cuộc cách mạng do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo đã đi qua những bước dài, mỗi giai đoạn lịch sử tùy theo nhiệm vụ chiến lược đều có những phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh của toàn dân và việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhưng thời nào cũng vậy, lúc nào những người công bộc của dân phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, chủ động, sáng tạo, nỗ lực bứt phá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng.

Đọc thêm