Bài học sau những vụ “tiêu đắng”

(PLVN) - Câu chuyện vận động người nông dân đi học trồng tiêu ở Chư Sê không phải đại diện cho tất cả các vùng miền, nhưng hiện tượng người nông dân khi có tư liệu sản xuất trong tay vội vàng chạy theo thị trường là có thật. Chạy theo sau đã là rủi ro lớn, nhưng không có được kỹ năng đảm bảo để thực hiện công việc sản xuất thì nguy cơ mất trắng lại càng cao hơn.
“Sai lầm lớn nhất của người trồng tiêu Tây Nguyên là học trồng tiêu theo trồng cây cà phê”
“Sai lầm lớn nhất của người trồng tiêu Tây Nguyên là học trồng tiêu theo trồng cây cà phê”

Sai lầm học trồng tiêu theo trồng cây cà phê

Năm 2019, hồ tiêu xuống giá mạnh nên nông dân những vùng trồng tiêu nhận một mùa vụ “đắng”. Nhìn lại câu chuyện về sản phẩm từng được ví là “vàng đen” những năm trước, ông Hoàng Phước Bính, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhìn nhận, thất bại này một phần là do thiếu kiến thức nên việc canh tác tiêu đã không đạt như mong đợi.

Lấy ví dụ nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê là nhãn hiệu tập thể đầu tiên của Việt Nam, đã có những doanh nghiệp châu Âu tìm mua và phân tích đồng ý vùng này tiêu thơm ngon và góp ý làm nhãn hiệu. Năm 2010, FAO có đến Việt Nam tìm hiểu về trồng tiêu vùng này và đánh giá về hồ tiêu của Việt Nam cho ra 17 tấn tiêu khô/ha là một cách tự nhiên (sản lượng này gấp 3 lần trung bình các vùng trồng tiêu trên thế giới). 

Tuy nhiên, theo ông Bính: “Sai lầm lớn nhất của người trồng tiêu Tây Nguyên là học trồng tiêu theo trồng cây cà phê. Ban đầu người ta còn trồng trong bồn chứa nước vì sợ cây thiếu nước. Mùa khô chỉ cần tưới đầy bồn thì sẽ đỡ được lượng nước tưới. Nhưng đến mùa mưa thì cách trồng này không thoát được nước nên gây sâu bệnh”.

Nói về việc hiệp hội vận động người nông dân đi học để về canh tác bài bản hơn, ông Bính kể: “Chúng tôi vận động được khoảng 200 người đi học, nhưng số lượng này như “muối bỏ bể”. Phải có chế tài để nông dân đi học, ví dụ không đi học thì không cho vay tiền”. 

Ông Bính phân tích thêm: “Những hộ sản xuất để kinh doanh các sản phẩm tiêu thì đa số dính đến ngân hàng. Nên có cơ chế nếu vay tiền ngân hàng cần thêm chứng chỉ đào tạo qua khóa học này thì họ mới đi học, điều này sẽ thúc đẩy họ học hành tốt hơn vì đi học cũng chỉ tốn thời gian chứ không mất nhiều chi phí. Từ đó việc dạy nghề mới tốt lên được. Nghề nông phải thực sự là nghề có chất lượng đào tạo chứ giờ vẫn nhiều người có câu dạy con “không học thì về cuốc đất, làm nông dân” thì vẫn chưa ổn”.

Vướng mắc trong đào tạo nghề cho nông dân 

Câu chuyện vận động người nông dân đi học trồng tiêu ở Chư Sê không phải đại diện cho tất cả các vùng miền, nhưng hiện tượng người nông dân khi có tư liệu sản xuất trong tay vội vàng chạy theo thị trường là có thật. Chạy theo sau đã là rủi ro lớn, nhưng không có được kỹ năng đảm bảo để thực hiện công việc sản xuất thì nguy cơ mất trắng lại càng cao hơn.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện việc quản lý và sử dụng kinh phí  đào tạo nghề cho nông dân theo quy định tại Thông tư 152, các cơ quan, đơn vị thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, nguồn lực thực hiện còn hạn chế, phân tán. Một số địa phương chưa chú trọng tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg mà chủ yếu trông chờ vào nguồn lực từ Trung ương cấp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. 

Cùng với đó, do đặc thù của người khuyết tật nên số lượng người khuyết tật tham gia đào tạo nghề phân tán, việc tập hợp lớp học theo số lượng quy định là khó khăn, nên các địa phương đang lúng túng trong việc đặt hàng đào tạo, tổ chức đào tạo và thanh, quyết toán nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hình thức truyền nghề, vừa làm vừa học…

Số liệu địa thống kê cho thấy, hiện có gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Đại diện Tổng cục cũng cho biết, đơn vị này tiếp tục hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020 (năm cuối cùng thực hiện Đề án). Trong đó, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp. Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học.

Các địa phương thực hiện rà soát, xây dựng danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; xây dựng, phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật danh mục nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng làm cơ sở để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ, đạt 87,2% mục tiêu (11 triệu người) của Đề án; trong đó có 5,59 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956, đạt 85,5% mục tiêu (6,54 triệu người) của Đề án trong 11 năm 2010-2020.

Đáng chú ý, sau học nghề số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra.

Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Đọc thêm