Bại lộ bí mật trong vụ máy bay Mỹ - Trung “đối đầu” năm 2001

(PLO) -Sau khi buộc phải hạ cánh khẩn cấp, toàn bộ phi hành đoàn máy bay EP-3 Aries II liên tục bị thẩm vấn. Dù không tiết lộ bất cứ thông tin gì, nhưng chính sự thiếu chuyên nghiệp chuẩn bị không kỹ cho một chuyến bay do thám đã khiến nhiều bí mật nhạy cảm của quân đội Mỹ lọt vào tay Trung Quốc.
Phi hành đoàn của chiếc máy bay EP-3 Aries II của Mỹ xếp hàng dọc theo đường gạch đỏ ngày 12/4/2001 tại căn cứ Hickam ở Hawaii.
Phi hành đoàn của chiếc máy bay EP-3 Aries II của Mỹ xếp hàng dọc theo đường gạch đỏ ngày 12/4/2001 tại căn cứ Hickam ở Hawaii.

Thẩm vấn và giam lỏng

Chiếc EP-3 Aries II vừa đáp khẩn cấp xuống căn cứ không quân Lingshui trên đảo Hải Nam đã bị “áp giải” đến cuối đường băng, bị 20 binh sỹ Trung Quốc bao vây. Đại úy Shane Osborn - phi công chỉ huy - vẫn giữ cho động cơ hoạt động trong khi phi hành đoàn nhanh chóng phát thông báo cuối cùng gửi Trung tâm Điều hành Trinh sát Thái Bình Dương: “Họ đã hạ cánh an toàn”. 

Việc hạ cánh khẩn cấp của máy bay Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về ngoại giao trong việc giải phóng phi hành đoàn cũng như chiếc máy bay mang nhiều bí mật. Đại úy Osborn kể lại, ông và các thành viên phi hành đoàn đã bị thẩm vấn hàng ngày. Tất cả đều từ chối cung cấp cho phía Trung Quốc bất kỳ thông tin quan trọng nào.

Sau 11 ngày “giam lỏng” cùng với áp lực lớn từ Mỹ, phía Trung Quốc đã phải giải phóng toàn bộ phi hành đoàn, trả lại chiếc máy bay do thám với điều kiện là nó phải được tháo dỡ, không để nguyên chiếc.

Hãng Lockheed Martin - nơi sản xuất chiếc EP-3 Aries II - phải cử các kỹ thuật viên đến để tách đuôi, động cơ và cánh từ thân máy bay, chuyển bằng máy bay chở hàng đến một căn cứ không quân ở Georgia. Tại đây, các nhà điều tra bắt đầu quá trình thẩm định, xác minh liệu những thông tin tình báo nào đã có thể đã bị lọt vào tay Trung Quốc.

Quà tặng bất ngờ

Các nhà điều tra Mỹ phát hiện rất nhiều bất ngờ trong quá trình phân tích sự việc: Phi hành đoàn đã mang theo rất nhiều dữ liệu mật không cần thiết trên máy bay như toàn bộ các cuốn sách mã hóa, tài liệu bí mật quan trọng hàng đầu của không quân Mỹ trong vòng một tháng. Số tài liệu này được quân đội sử dụng để đảm bảo quá trình kết nối, liên lạc với phi hành đoàn, vốn sẽ không được sử dụng cho tới khi chuyến bay kết thúc.

Theo lý thuyết, sơ suất này không gây hậu quả gì khi phía quân đội Mỹ thay đổi chìa khóa mật mã hàng ngày. Riêng trong trường hợp khẩn cấp này, phía Mỹ đáng nhẽ đã phải cho khóa ngay tất cả các mật mã của phi hành đoàn ngày hôm đó và thay thế bằng những mật mã mới. Thế nhưng, loại khóa mật mã mà quân đội Mỹ dùng lúc đó là loại khá phổ biến, với khoảng 250.000 người dùng trên toàn thế giới. Với loại khóa này, khoảng thời gian từ lúc thông báo cho đến khi được thay thế phải mất tới gần 2 tuần.

Lo ngại về các vật liệu được mã hóa bị phơi bày không đơn giản là việc Trung Quốc có thể sử dụng để giải mã thông tin liên lạc của phía Mỹ, quan trọng hơn, nó vô tình tặng cho Trung Quốc cái nhìn trực quan nhất về các phương pháp, cách thức mật mã mà Mỹ vẫn sử dụng.

Các nhà điều tra cho biết, Mỹ vốn sử dụng phương pháp “ngẫu nhiên và chất lượng cao an toàn” trong các tài liệu và thiết bị mật mã. Nếu Trung Quốc nghiên cứu các tài liệu, thiết bị này từ đó vận dụng, đưa các thiết kế tương tự vào các hệ thống của nước này, sẽ khiến cho Mỹ khó phân tích các dữ liệu trong hệ thống khí tài thông tin liên lạc tiên tiến - PRC của Trung Quốc.

Đối tác cũng bị lộ

Phi hành đoàn còn có danh sách các nhân viên tình báo của Mỹ và cả các đối tác của Mỹ ở nước ngoài - những người không có mặt trên chuyến bay. Đó là hàng chục nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Tổ chức NSGA Misawa của Nhật Bản. Dữ liệu bao gồm tên, địa chỉ, số an sinh xã hội (SSN) cũng như mô tả nhiệm vụ chính thức của nhân viên này. 

Ngoài ra, phi hành đoàn còn có một bản hướng dẫn sử dụng máy bay do thám, cung cấp chi tiết và toàn diện về cách thức mà Mỹ khai thác các tín hiệu do thám. Bên cạnh đó, gần 20 Chỉ thị của chính phủ Mỹ về Thông tin tình báo hay những trích đoạn của các chỉ thị này cũng xuất hiện trên chuyến bay, mặc dù những tài liệu này không có ý nghĩa hay nhiệm vụ nào với sứ mệnh của phi hành đoàn.

Đội cứu hộ của Hãng Lockheed Martin đã tháo dỡ 4 tổ hợp động cơ cánh quạt từ chiếc EP-3 Aries II tại căn cứ không quân Lingshui của Trung Quốc, vào ngày 23/6/2001.
Đội cứu hộ của Hãng Lockheed Martin đã tháo dỡ 4 tổ hợp động cơ cánh quạt từ chiếc EP-3 Aries II tại căn cứ không quân Lingshui của Trung Quốc, vào ngày 23/6/2001.

Đáng lưu ý, 3 trong số các chỉ thị này được đánh giá là đặc biệt nhạy cảm: chỉ thị về các thủ tục đặc biệt để ghi nhận và báo cáo tín hiệu; chỉ thị về các mục tiêu cụ thể về thu thập tín hiệu tại Trung Quốc, Triều Tiên, Phillipines, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan; chỉ thị về các thông tin mà Trung Quốc có thể đã sử dụng để đưa dữ liệu sai vào các vụ chặn do thám. 

Chuyến bay còn mang theo 6 máy tính xách tay, trong đó có hai chiếc có chứa hệ thống thông tin nhạy cảm nhất trên máy bay. Một trong những hệ thống đã được quân đội Mỹ sử dụng để thiết kế một cơ chế gọi là “truyền thông Proforma”, chế độ liên lạc đặc biệt giữa trung tâm điều khiển và hệ thống radar, hệ thống vũ khí, tên lửa đất đối không, pháo phòng không và cả máy bay chiến đấu.

Một chiếc máy tính trên chuyến bay của Đại úy Osborn còn chứa hàng loạt dữ liệu chi tiết để xử lý hơn 20 thông tin liên lạc Proforma liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Nga, Việt Nam, Trung Quốc và cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Nhưng đây vẫn chưa phải là thông tin nhạy cảm cuối cùng mà phía Mỹ đã bị bại lộ trước Trung Quốc! Chiếc máy bay EP-3 Aries II còn mang theo thông tin về các thông số phát xạ của các hệ thống vũ khí của các nước đồng minh, như tên và địa điểm của các trạm radar của Mỹ trên toàn thế giới.

Vạch áo cho người xem lưng

Thông tin mà các nhà điều tra đánh giá là nhạy cảm nhất trên chuyến bay là bản các hướng dẫn nhiệm vụ để thu thập dữ liệu từ Trung Quốc. Đó là những tư liệu cho thấy, Mỹ quan tâm đến việc thu thập thông tin từ phía Trung Quốc như thế nào; tần suất và dấu hiệu các cuộc liên lạc mà Trung Quốc sử dụng để truyền dữ liệu... Không may, phi hành đoàn cũng vô tình để lại một cuốn băng có chứa 45 phút trao đổi thông tin của hải quân Trung Quốc đã được mã hoá và giải mã. Các nhà điều tra đánh giá, đây là một sự tổn hại cực kỳ nghiêm trọng.

Jason Healey, cựu sĩ quan tình báo, người từng làm việc và nghiên cứu về máy bay trinh sát trong Không quân Mỹ cho biết, sơ sót khủng khiếp này sẽ khiến Trung Quốc hiểu, nắm giữ được kỹ thuật và khả năng giải mã của Mỹ.

Ngoài ra, một bí mật quan trọng khác của quân đội Mỹ cũng bị bại lộ, là Mỹ thực tế có khả năng định vị và thu thập tín hiệu liên quan đến các tàu ngầm Trung Quốc cũng như liên hệ chúng với các tàu kết nối có khả năng định hướng khác. Các dữ liệu cũng bộc lộ việc Mỹ đã biết những gì về chương trình tên lửa đạn đạo của tàu ngầm của phía Trung Quốc.

Mặc dù đã phát hiện ra quá nhiều thông tin và dữ liệu mật bị bại lộ trước Trung Quốc, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng, vẫn chưa đầy đủ! Bởi phi hành đoàn đã không có một bản kiểm kê đầy đủ các dữ liệu có trên chuyến bay. Các nhà điều tra lo rằng, Trung Quốc giờ có thể tăng cường khả năng mã hóa hoặc cải tiến, chuyển đổi từ “truyền dẫn qua không trung sang truyền dẫn cố định hoặc sử dụng các kỹ thuật truyền thông vô tuyến tiên tiến hơn, chẳng hạn như nhảy tần số…”.

May mắn thay, vào thời điểm báo cáo được viết, 3 tháng sau vụ va chạm, Mỹ vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào trong thói quen truyền tin của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà điều tra cảnh báo, sự thay đổi có thể sẽ xảy ra trong nhiều tháng tiếp theo. Hiện Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vẫn từ chối bình luận về bất kỳ vấn đề nào trong báo cáo của Hải Quân Mỹ và NSA. 

Trong khi đó, quân đội Mỹ đã thực hiện một số biện pháp để bảo vệ tốt hơn dữ liệu và thiết bị trên máy bay do thám cũng như đào tạo phi hành đoàn nhưng phải đến tháng 11/2014, Mỹ và Trung Quốc mới thông qua một bản ghi nhớ để điều chỉnh “sự an toàn của không vận và các cuộc gặp gỡ hàng hải”.

Dù vậy, các vụ chạm trán, đối đầu vẫn xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới nhất, một cuộc chạm trán đã xảy ra đầu tháng 5 giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai máy bay chiến thuật J-11 của Trung Quốc bay nguy hiểm gần với EP-3E. Tất nhiên ai cũng hiểu, một khi va chạm lợi ích vẫn còn thì các vụ chạm trán trên không giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn!

Đọc thêm