Sơ cứu người say nắng
Mùa hè, nhiều người có thể bị say nắng (cảm nắng). Bệnh thường gặp khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, hoặc làm việc dưới thời tiết nắng nóng kéo dài. Có người sức đề kháng yếu, chỉ cần tiếp xúc với ít cũng bị say nắng.
Dưới tác động liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể dẫn đến say nắng.
Biểu hiện khi bị say nắng ban đầu là: Hoa mắt, chóng mặt, cơ thể cảm thấy nôn nao. Nếu nặng, xuất hiện triệu chứng khó thở, sắc mặt nhợt nhạt. Nguy hiểm hơn nạn nhân có thể rơi vào tình trạng mê man, ngất xỉu.
Với những người đi ngoài nắng, nếu bất chợt cảm thấy tối mặt, mắt nhìn mờ và toát nhiều mồ hôi là biểu hiện sớm của say nắng. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.
Đặc điểm chung của say nắng là tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù đắp kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng, có thể gây tử vong.
Một yếu tố nguy cơ nữa, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh.
Khi phát hiện người bị say nắng, cần đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát. Tiếp theo dùng các biện pháp hạ nhiệt: Chườm nước mát tập trung vào các vị trí hai bên nách, trán, vùng rốn. Ngoài ra cho nạn nhân uống nhiều nước, nước cốt chanh pha đường. Sau đó phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
|
Lương y Phó Hữu Đức |
Lương y Đức lưu ý không được hạ nhiệt gấp, đột ngột bằng cách cho người say nắng tắm hoặc uống nước đá lạnh. Cũng không nên xốc vác nạn nhân di chuyển ngay mà phải sơ cứu hạ nhiệt trước.
Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở; thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân. Nếu bệnh nhân co giật, nên dùng thuốc chống co giật. Trường hợp nạn nhân hôn mê, có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.
Chữa trị bệnh say nắng
Kinh nghiệm hạ nhiệt dễ thực hiện nữa là pha bột sắn dây cho người say nắng uống. Ta cũng có thể hái lá nhọ nồi đem rửa sạch, giã lấy nước uống. (Riêng lá cây nhọ nồi, ông Đức cho biết thêm, có thể dùng chữa trị trẻ em bị sốt. Thảo dược này vừa có tác dụng giải cảm vừa cầm máu).
Sau khi hạ nhiệt, người bị say nắng có thể truyền dịch hoặc uống thuốc đông y để hồi phục thể lực. Lương y Đức cho biết bài thuốc giải cảm gồm các vị: Cát căn, thảo quyết minh, kinh giới, bạc hà và cam thảo. Đem tất cả đun lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 thang. Do say nắng là bệnh lý thuộc về thể trạng nên chỉ cần uống thuốc vài ngày là có tác dụng ngay.
Về phương pháp phòng tránh say nắng, cách tốt nhất phải cung cấp đủ nước và không để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều, nhất là nắng gắt. Ông Đức khuyên mọi người không nên làm việc dưới nắng nóng kéo dài. Trong điều kiện bắt buộc thì cần mặc áo quần, dụng cụ bảo hộ lao động. Bên cạnh đó cần uống nhiều nước: “Chúng ta có thể làm việc sớm và nghỉ sớm hơn, hạn chế lao động trong tiết trời quá nóng”, lương y Đức tư vấn.
Khi phải hoạt động liên tục từ 45- 60 phút thì phải nghỉ giải lao 10 - 15 phút. Nếu làm việc ở môi trường nhiệt độ cao phải có quần áo chuyên dụng. Một kinh nghiệm khác, “những người lao động nơi nắng nóng mất rất nhiều mồ hôi nên cần uống nhiều nước pha muối để bù nước và chất điện giải cho cơ thể. Đối với trẻ em, người cao tuổi, người bị bệnh lâu ngày, người uống rượu không nên phơi nắng lâu”, lương y Đức nói.
Vào mùa nắng, thời tiết nóng nực, cần uồng nhiều nước, ăn các loại thức ăn mang tính mát, các loại rau củ quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi, mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi. Ngoài ra, việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên cũng giúp cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa./.