‘Bài toán’ 15 năm chưa lời giải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với lĩnh vực nhà đất, một số năm qua tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra” ngày càng xuất hiện rõ nét trong xã hội. Một số người có rất nhiều nhà đất; và tất nhiên đây là điều đáng ủng hộ, hoan nghênh, là quyền sở hữu được pháp luật bảo vệ, Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, một số người dù có cố gắng gần cả đời, vẫn chưa có được một mái nhà.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đó là lý do để góp phần kéo giảm sự xa cách giàu - nghèo trong xã hội, từ 2009, Bộ Tài chính đã từng đề xuất đánh thuế nhà tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Mười năm sau, năm 2019, cơ quan này tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản. Song các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận ngay khi công bố, nên được gác lại.

Mới đây, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục có ý kiến đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều bất động sản (BĐS). Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024 vừa tổ chức, đại diện Bộ Xây dựng nhận định, một trong các nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà đất tại một số đô thị lớn tăng cao thời gian qua, là đầu cơ và tâm lý mua BĐS để chờ tăng giá. Một số nhà đầu tư chọn BĐS để đầu tư, tích luỹ tài sản; sự dịch chuyển dòng tiền lớn vào thị trường cũng khiến giá nhà tăng thêm. Đó là lý do Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế liên quan thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ, mua đi, bán lại BĐS trong thời gian ngắn.

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, các chủ sở hữu sử dụng BĐS ở Việt Nam hiện nay không phải chi trả thuế tài sản. Một số nhà đầu tư mua BĐS rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm, mục đích đẩy giá kiếm lời.

Vì vậy, nếu cân nhắc áp dụng các biện pháp bình ổn, điều tiết thị trường như đánh thuế người có nhiều BĐS, sẽ là giải pháp “hạ nhiệt” giá nhà; khuyến khích sử dụng BĐS hợp lý, có ích, phù hợp thông lệ quốc tế; điều chuyển dòng tiền sang hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất và những điều hữu ích ngay lập tức cho xã hội.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc đánh thuế BĐS hay không, 15 năm nay cơ quan chức năng đã nghiên cứu tính toán, nhưng rồi đều gác lại. Một phần chính vì chưa có thuế BĐS, nên những năm qua tốc độ phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, công trình trên cả nước mới nhanh, mạnh như vậy. Cũng không thể phủ nhận lĩnh vực BĐS đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác như xây dựng, nội thất, sắt thép, vật liệu…

Một thực tế khác, là đặt trường hợp có sắc thuế về sở hữu BĐS, chắc chắn thị trường nhà đất sẽ lập tức bị ảnh hưởng; thậm chí thị trường BĐS có thể đi xuống nếu sắc thuế này có những điều khoản không phù hợp thực tế.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với thị trường BĐS là ổn định; thúc đẩy sự phát triển bền vững; để người có nhu cầu ở thực có thể mua được nhà. Vì vậy, nếu xây dựng sắc thuế sở hữu BĐS, các cơ quan dự thảo cần bám sát các quan điểm trên để tìm ra một phương án dung hòa nhất. Trong đó, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống số hóa toàn bộ dữ liệu BĐS của dân cư; xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ, môi giới tác động kích giá, “thổi giá” nhà đất; dẹp các đối tượng “cò đất” bịa đặt, tung tin đồn nhảm gây nhiễu loạn thị trường; hướng tới mọi giao dịch BĐS phải qua sàn có sự quản lý của Nhà nước để tránh kích giá hay trốn thuế…

Với những người sử dụng sở hữu nhiều BĐS, cũng cần phân chia ra đó là nhà hay đất, mục đích sử dụng là gì; cân nhắc người có bao nhiêu BĐS với tổng giá trị từ bao nhiêu trở lên mới phải chịu thuế…

Trả lời được những vấn đề trên, chính là lời giải của “bài toán” chúng ta đã đang tính toán, nghiên cứu suốt 15 năm qua.

Đọc thêm