Vụ nổ tại ga tàu điện ngầm ở Saint-Petersburg cướp đi sinh mạng của 14 người dân xảy ra chỉ vài phút sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc lời phát biểu tại Diễn đàn Truyền thông.
Giới quan sát Nga cho rằng, vụ khủng bố này khiến những câu chuyện về “đấu tranh chống tham nhũng”, “phong trào phản đối của học sinh” và ngay cả những khó khăn kinh tế cũng sẽ phải nhường “thời lượng” cho những lo ngại về an ninh.
Mục tiêu
Mục tiêu được lựa chọn hoàn toàn không phải tình cờ. Thứ nhất, tàu điện ngầm là nơi tập trung rất đông người, nạn nhân của vụ nổ trong toa tàu chắc chắn sẽ không ít.
Thứ hai, âm hưởng của một hành động khủng bố trên phương tiện giao thông công cộng luôn nhắm đến việc hàng triệu người dân sử dụng loại phương tiện này và do đó sẽ gây ra hoảng loạn.
Thứ ba, xét đến vai trò của tàu điện ngầm trong giao thông của các thành phố lớn như S.Peterburg, Moskva ở Nga thì chỉ một ngưng trệ ngắn trong hoạt động của tàu điện ngầm cũng đủ để làm gián đoạn toàn bộ hệ thống giao thông của một siêu đô thị 5 triệu dân như Saint-Petersburg.
Thứ tư, một hành động khủng bố tại Saint-Petersburg sẽ là một thách thức cá nhân đối với lãnh đạo Nga vì tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Thượng viện đều là người gốc ở đây. Đó là còn chưa nói tới việc vụ khủng bố xảy ra đúng vào lúc ông Putin đang có mặt tại thành phố này.
Hiện trường vụ đánh bom |
Động cơ
Ủy ban điều tra LB Nga đã xác nhận đây là vụ đánh bom liều chết, đồng thời xác định nghi phạm là Akbarzhon Jalilov, sinh năm 1995, người Kyrgystan và mới nhập quốc tịch Nga.
Động cơ của khủng bố cũng không khó để nhận ra. Thứ nhất, nó cho thấy có tồn tại thế giới ngầm và thế giới đó có khả năng thực hiện những tội ác nghiêm trọng.
Thứ hai, gây khó khăn cho đời sống chính trị trong nước, gây ra nỗi sợ hãi và hoảng loạn.
Thứ ba, tác động đến Điện Kremli trong việc ra các quyết định mà theo ý đồ của những kẻ chủ mưu khủng bố sẽ phải làm gia tăng thêm căng thẳng. Ví dụ như một lệnh cấm tiến hành các hoạt động công cộng vì lý do an ninh. Ngoài ra, vụ khủng bố trên xảy ra trong Vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại Nga đã đến gần, tình hình bất ổn sẽ đặt ra nghi ngờ về khả năng tổ chức giải.
Đến ngày 7/4, lực lượng chức năng Nga đã bắt giữ 8 đối tượng tình nghi, trong đó có một phụ nữ. Phát ngôn viên Ủy ban Điều tra Liêng bang Nga Svetlana Petrenko ngày 6/4 cho biết cơ quan này đã phối hợp với Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ 6 đối tượng tại thành phố St. Petersburg và 2 đối tượng khác ở thủ đô Moskva tình nghi dính líu tới vụ tấn công khủng bố tàu điện ngầm ở St. Petersburg.
Trong quá trình lục soát nơi ở của những đối tượng, lực lượng chức năng đã phát hiện một thiết bị nổ giống với thiết bị nổ ở nhà ga "Quảng trường Khởi nghĩa", cùng nhiều súng ống và đạn dược. Kết quả điều tra cho thấy đối tượng khủng bố đánh bom liều chết là Akbarzhon Jalilov, người Kyrgyzstan, cũng chính là kẻ đã đặt quả bom đã được ngụy trang tại nhà ga "Quảng trường Khởi nghĩa".
Vụ đánh bom khiến 14 người thiệt mạng và 50 người bị thương |
“Bài toán” an ninh
Thời gian gần đây, cả phe đối lập lẫn chính quyền Nga đều đề cập nhiều hơn về việc người dân đã mệt mỏi vì chính sách đối ngoại của Nga. Đã đến lúc Nga rời khỏi các chiến trường và quay trở về với các vấn đề trong nước. Chính quyền có thể tận dụng tình hình này để giải thích vì sao ngân sách quân sự lại lớn trong khi thu nhập người dân giảm. Cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Levada cho thấy ngày nay chỉ có 11% người dân Nga cho rằng cần hy sinh vì lợi ích quốc gia.
Thảm họa tại Saint-Peterburg cho thấy rõ ràng nước Nga không còn là nơi an toàn trên thế giới, mà đã rất dễ bị những kẻ khủng bố thâm nhập. Chắc chắn, một thời kỳ mới đã bắt đầu tại nước Nga cho dù đường nét của nó giống 5-10 năm trước đây. Nhật báo công giáo La Croix nhận xét: “Đến lượt Nga cũng bị tấn công khủng bố”.
Tờ Libération, Le Figaro và Les Echos trên trang nhất cũng lần lượt đăng bài viết với tựa đề “Tấn công khủng bố chết người tại một bến tàu điện ngầm ở Saint-Petersburg”, “Tại Saint-Petersburg, khủng bố đánh thẳng vào trung tâm lịch sử của nước Nga” và “Nước Nga bị khủng bố tấn công”.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan an ninh các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ nổ trong toa tàu điện ngầm ngày 3/4 ở thành phố St. Petersburg cho thấy nguy cơ khủng bố gia tăng và tất cả các nước SNG đều có thể là đối tượng tiềm tàng cho các hoạt động khủng bố.
Trong cuộc họp, Tổng thống Nga cũng chỉ ra các mối đe dọa khác với các nước SNG, trong đó có tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy, tham nhũng và tác động của các yếu tố bên ngoài đến tình hình nội chính. Tổng thống V.Putin đánh giá nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan an ninh hiện nay rất phức tạp và đa dạng, đồng thời ông bày tỏ tin tưởng rằng cơ quan an ninh các nước SNG ý thức được tầm quan trọng, tiếp tục phát triển hợp tác chống lại các thách thức này.
Không biết liệu Tổng thống Putin có thay đổi chính sách đối với các nước Trung Á hay không, nhưng gần như chắc chắn là lãnh đạo Nga sẽ nhân vụ khủng bố này để tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan tình báo trên các mạng xã hội và gia tăng áp lực lên các nhà đối lập trong bối cảnh chỉ còn chưa tới một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga.
Chủ tịch Hiệp hội quốc tế của các đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố “Alpha”, thành viên Viện Cộng đồng Nga, ông Sergey Goncharov, cho rằng Nga đang huy động mọi nỗ lực để thảm kịch đó không tái diễn. Ngày 4/4, giới chức các nước Nga, Pháp và Mỹ cũng đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ thảo luận về vấn đề chống khủng bố sau khi xảy ra vụ tấn công liều chết nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố St. Petersburg khiến nhiều người chết và bị thương
Trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Pháp, Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault đã nhấn mạnh với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về sự cần thiết của một mặt trận quốc tế thống nhất chống lại chủ nghĩa khủng bố, vốn đã gây ra mối đe dọa an ninh ở các nước này. Ông Ayrault cũng nhắc lại sự ủng hộ của Paris đối với Moskva trong vụ nổ tại ga tàu điện ngầm ở thành phố St. Petersburg hôm 3/4.
Đối tượng khủng bố là Akbarzhon Jalilov, người Kyrgyzstan, cũng chính là kẻ đã đặt quả bom đã được ngụy trang tại nhà ga "Quảng trường Khởi nghĩa” |
Ông Ayrault khẳng định: "Pháp sẵn sàng đáp ứng với bất cứ lời yêu cầu hỗ trợ nào". Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bày tỏ cảm ơn đối với người đồng cấp Pháp, đồng thời hy vọng rằng Moskva và Paris sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.
Trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Mỹ và với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga tại Washington, Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev cũng đã thảo luận với Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly vấn đề chống khủng bố.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga, bà Irina Volk, ông Kelly nhấn mạnh Mỹ cùng với toàn thế giới chia buồn với Nga và các gia đình bị mất người thân trong vụ tấn công đẫm máu tại St. Petersburg cách đây 2 ngày. Hai bên cũng thể hiện quan điểm chung về việc cần thống nhất nỗ lực trong đấu tranh chống khủng bố quốc tế…
Lập đội phản ứng nhanh bảo vệ tàu điện ngầm
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định thành lập đội phản ứng nhanh để bảo vệ tàu điện ngầm tránh những hành động can thiệp bất hợp pháp.
Quyết định được công bố ngày 5/4 trên trang tin điện tử Chính phủ Nga nêu rõ: "Các đội tuần tra được trang bị công cụ hỗ trợ chuyên dụng, cơ động và hoạt động suốt ngày đêm. Nhiệm vụ chính là đối phó với những hành động can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động của tàu điện ngầm". Thủ tướng Medvedev cũng yêu cầu trong vòng 3 tháng phải hoàn tất bản báo cáo đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống đường ngầm.