'Bài toán khó' an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay là “bài toán khó” do lượng thực phẩm lưu thông qua hệ thống chợ dân sinh, chợ truyền thống vẫn chiếm đến 70%. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn vào cuộc nhưng gặp khó vì thiếu vốn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong hệ thống phân phối còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong hệ thống phân phối còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Xu hướng tiêu dùng an toàn thực phẩm gia tăng

Tổng hợp số liệu từ các địa phương, tính đến ngày 31/12/2021, số lượng trung tâm thương mại (TTTM) của cả nước là 254 TTTM, tăng 4 TTTM so với năm 2020. Trong đó có 98 TTTM tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh), chiếm 38,58% so với cả nước. Số lượng siêu thị của cả nước năm 2021 là 1.167 siêu thị, trong đó tại 5 thành phố lớn có 469 siêu thị, chiếm 40,19% số siêu thị của cả nước.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia về an toàn thực phẩm (ATTP), xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, được phân phối bởi các cơ sở kinh doanh có uy tín đang ngày càng tăng của người dân, nhất là tại các đô thị, thành phố. Đây được đánh giá là một thuận lợi lớn trong phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh ở Việt Nam chiếm đến 97% nên quá trình triển khai hệ thống phân phối ATTP vô cùng khó khăn nhưng vẫn cần phải đối diện để xử lý dần dần. Bên cạnh đó, có đến 70% thực phẩm vẫn phân phối qua chợ đầu mối, chợ dân sinh và việc kiểm soát, tuân thủ pháp luật của bà con tiểu thương ở đây vẫn còn rất nhiều bất cập.

“Tham gia vào quá trình triển khai xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm, chúng tôi nhận ra, chúng ta khá thiếu vốn để đầu tư những hệ thống phân phối áp dụng những quy trình quản lý tốt nhất, văn minh nhất. Ví dụ như trên thị trường đang có những chuỗi siêu thị quản lý ATTP rất tốt, các cửa hàng tiện lợi sử dụng những thiết bị để bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ và độ ẩm đúng chuẩn của bảo quản ATTP nhưng để nhân rộng mô hình này thì rất khó khăn do nguồn vốn” – bà Nga nói.

Đáng chú ý, theo bà Nga hiện nay, lượng hàng bảo đảm ATTP muốn vào siêu thị lớn hơn so với khả năng các siêu thị có thể tải được, bán hàng được. Điều này chứng tỏ số lượng hàng sản xuất đã bảo đảm ATTP, có quy trình công nghệ tốt, có hệ thống kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận chất lượng tốt, thậm chí đạt tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm ATTP thì vẫn còn hạn chế. Cho tới nay, vẫn là 70% vẫn qua chợ, siêu thị mới chỉ tải khoảng độ 25%, còn lại qua kênh thương mại điện tử”

Cần sự đồng lòng, phối hợp từ nhiều phía

Ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Masan MeatLife cho biết, để kiểm soát được ATTP thì không thể chỉ làm ở phần ngọn, phải làm từ gốc và đó là giá trị của chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn.

Hiện MeatLife đã đã có một sản phẩm đảm bảo an toàn từ gốc, nhưng chưa có cách nào để tất cả người dân có cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với sản phẩm. Do đó, việc phát triển hệ thống phân phối là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong việc phát triển chuỗi phân phối, ngoài việc đầu tư của doanh nghiệp thì quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người tiêu dùng.

“Chúng tôi cũng muốn đưa sản phẩm của mình ra chợ nhưng tiêu chuẩn thịt mát phải được bảo quản ở nhiệt độ đạt 0 - 4 độ C mới đảm bảo an toàn. Vì vậy, để phát triển chuỗi ở chợ, chúng tôi cần kết hợp với tất cả các ban quản lý chợ để tiểu thương hiểu và trang bị hệ thống mới có thể là đưa sản phẩm đúng “chất thịt mát” tới tay người tiêu dùng” - ông Trung nói.

Tuy nhiên, theo ông Trung, đây là việc khá khó khăn, gặp nhiều trở ngại bởi với mức độ đầu tư như vậy, doanh nghiệp sẽ khó có thể thu xếp được. Ngoài ra, điều quan trọng hơn, đó là nhận thức của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng thay đổi thói quen và chấp nhận mua thì chắc chắn những tiểu thương bán thịt ở ngoài chợ cũng sẽ sẵn sàng đầu tư cùng với doanh nghiệp để phát triển hệ thống.

Bà Lê Việt Nga cũng cho rằng, để xây dựng được những mạng lưới, các chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn không chỉ ngành Công Thương có thể làm được; Cũng không thể địa phương làm riêng, hay là Trung ương làm riêng, mà phải có sự vào cuộc đều tay.

Ngày 27/11/2022, Ban Bí thư cũng đã nêu rất rõ, để tăng cường công tác quản lý ATTP trên phạm vi toàn quốc thì yêu cầu các tổ chức đảng, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các bộ, ban, ngành có liên quan để xây dựng mạng lưới phân phối thực phẩm an toàn phục vụ cho một trăm triệu người dân Việt Nam.

Ngoài ra, để xây dựng được mạng lưới hệ thống phân phối ATTP cần phải có một sự đồng lòng doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn “cõng” doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng kinh doanh, rồi hộ nông dân ở quy mô nhỏ lẻ, để cùng triển khai xây dựng mạng lưới.

Đọc thêm