Cần chú trọng thu hút nguồn vốn có thực
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Phạm Quang Hiệu, cộng đồng NVNONN đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% là tại các nước phát triển. Cộng đồng có nhiều tiềm năng và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư. Đặc biệt, cộng đồng luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn được tạo điều kiện để góp sức xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, đầu tư nước ngoài bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau như FDI, ODA, kiều hối. Trong đó, nguồn kiều hối có tác động rất lớn trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường. Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư nước ngoài, vai trò của kiều hối chưa được chú trọng đúng mức. “Một nghiên cứu so sánh lượng kiều hối đưa về Việt Nam hàng năm với lượng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 1991-2014 cho thấy mức vốn của 2 loại vốn này đạt mức tương tự như nhau với chênh lệch không quá lớn. Trong khi lượng kiều hối gửi về nước là 92 tỉ USD thì nguồn vốn FDI thực hiện là 98,5 tỉ USD. Các năm tiếp theo vẫn được thực hiện ở mức tương đương như vậy”, ông Thắng cho hay.
Dẫn một công bố gần đây, ông Thắng cho biết, tính từ năm 1993 đến năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 184,85 tỉ USD còn theo tính toán, thống kê của cá nhân ông và các cộng sự từ các con số công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn này, lượng vốn FDI thực hiện là trên 200 tỉ USD, tức không có sự chênh lệch nhiều. Theo TS Phan Hữu Thắng, những số liệu trên cho thấy giá trị kiều hối của bà con NVNONN gửi về nước hàng năm là còn rất lớn và là nguồn vốn có thực. “Việt Nam cần lưu ý có các giải pháp thiết thực hơn để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này”, ông Thắng nói.
Sử dụng chưa hiệu quả
Thực tế cho thấy nguồn kiều hối Việt Nam là nhỏ bé, thiếu liên kết với nhau, gửi về giúp người thân trong nước là chủ yếu. Đánh giá về tình hình đầu tư của kiều bào về nước, TS Phan Hữu Thắng cho hay, hiện có một số dự án của bà con người Việt ở nước ngoài đầu tư về nước nhưng nhìn chung quy mô dự án còn nhỏ. Các dự án của bà con đã có dấu ấn tại các địa phương đầu tư nhưng chưa có dấu ấn nổi bật trên phạm vi cả nước. Số bà con muốn đầu tư về nước với số vốn nhỏ cũng rất lúng túng với thực tiễn về công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quản lý đầu tư với nguồn kiều hối.
Theo thống kê, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.
Đặc biệt, theo ông Phan Hữu Thắng, so sánh sự quan tâm với FDA, ODA và kiều hối cho thấy, luật pháp, chính sách về FDI và ODA, bao gồm cả các luật và nghị định hướng dẫn thi hành đều rõ ràng nhiều hơn, chi tiết hơn so với các văn bản pháp lý về kiều hối. “Việc tổ chức có nề nếp các hội thảo, hội nghị chuyên sâu FDI và ODA cũng dày đặc hơn so với kiều hối cũng phần nào chứng minh được sự quan tâm chưa đúng mức đến tác động và vai trò của kiều hối đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, ông Thắng nói.
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cũng thông tin, trong cộng đồng người Việt Nam thành đạt tại châu Âu, có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tài chính, nghiên cứu khoa học. Nhiều người bằng kinh nghiệm, mối quan hệ và bằng đồng vốn của mình đã chuyển hướng đầu tư về trong nước. Một số đã rất thành công trong nhiều dự án đầu tư hay các hợp đồng kinh tế, thương mại ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả người Việt Nam đều có mối liên hệ thường xuyên, có thông tin đầy đủ về các đầu tư, thông hiểu pháp luật tại Việt Nam. Điểm mấu chốt khiến nhiều người đầu tư không thành công ở Việt Nam là tìm kiếm đối tác hợp tác tại Việt Nam không đủ tin cậy. Đặc biệt là họ không có thông tin về các dự án một cách đầy đủ đồng thời chưa nắm được rõ các quy định của luật pháp Việt Nam liên quan đến vấn đề đầu tư.
Bên cạnh đó, một bộ phận cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, khi đời sống tương đối ổn định, ít nhiều có tích lũy vốn muốn dùng vốn đó đầu tư về Việt Nam để kiếm lợi nhuận. “Thế nhưng, với số vốn ít ỏi đó, nếu không có sự tập hợp thì bản thân họ không thể tiến hành các dự án mà chỉ có thể mua một vài mảnh đất, đợi tăng giá để kiếm lợi nhuận. Việc kiếm lợi nhuận này không tạo ra sản phẩm cho xã hội, không tạo ra công ăn việc làm”, ông Hoàng Đình Thắng trăn trở.
Là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bà Mã Thị Kim Đào – Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam Sơn cho hay, những năm gần đây, NVNONN gửi về nước nguồn tài chính rất đáng kể và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn tài chính này chưa phát huy hết hiệu quả. “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đầu tư còn thấp là do hoạt động xúc tiến đầu tư đối với bà con NVNONN chưa được đẩy mạnh, thông tin hai chiều chưa thông suốt và thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam làm ăn có hiệu quả, nhưng hạn chế về vốn, chưa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, trong khi đó, NVNONN muốn đầu tư về Việt Nam lại thiếu thông tin cần thiết cho các quyết định đầu tư”, bà Đào cho biết.
Phát huy nguồn lực cộng đồng để phát triển đất nước
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp với ngày càng nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống.
Bất động sản là một trong những kênh thu hút kiều hối. (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước cơ hội và khó khăn, thách thức mới trên con đường phát triển. Tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là nguy cơ lớn hàng đầu đối với Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, trước tình hình đó, sự quyết tâm, đồng lòng và sự tập trung nguồn lực của toàn dân tộc là yếu tố hết sức quan trọng để đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đạt được những mục tiêu phát triển mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, đặc biệt là tinh thần Nghị quyết số 36-NQ-TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới là luôn coi cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Do đó, theo ông Phạm Quang Hiệu, cần đẩy mạnh thu hút, tập hợp rộng rãi, phát huy nguồn lực của cộng đồng để phục vụ phát triển đất nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, thời gian tới, cộng đồng sẽ phát triển cả về lượng và chất, khẳng định vị thế ngày một vững chãi ở sở tại, với tiềm lực kinh tế, công nghệ, năng lực quản lý, đầu tư về nước tăng, qua đó sẽ gia tăng khả năng đóng góp cho đất nước.
Gợi ý về những giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ đầu tư của kiều bào về nước, bà Mã Thị Kim Đào nhấn mạnh về vấn đề cung cấp thông tin. Còn Chủ tịch JAVINET Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung giải quyết những khó khăn tồn đọng của cộng đồng đã đầu tư về Việt Nam trong 3 thập niên qua, nhất là vấn đề pháp lý, xây dựng niềm tin và kết nối với những thế hệ sau tin tưởng, cùng xây dựng, phát triển đất nước.
“Trong công tác thu hút hiệu quả nguồn lực doanh nhân, trí thức kiều bào, cần không ngừng đổi mới, linh hoạt trong các biện pháp và cách thức làm việc. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với công tác về trí thức, doanh nhân kiều bào năm 2022… Công tác thu hút nguồn lực NVNONN cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, trong đó phải thực hiện rõ hơn trách nhiệm, tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ở nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi của bà con về nước làm việc, đầu tư và sinh sống”, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.