Bán bình cổ lấy 400 triệu, vợ chồng nghèo có phạm pháp?

(PLO) - Những ngày vừa qua, việc vợ chồng người dân bản nghèo thuộc xã Tiền Phong (huyện Quế Phong, Nghệ An) trong lúc đi cuốc cỏ bất ngờ phát hiện một chiếc bình gốm nghi đồ cổ, bán được 400 triệu đồng gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, việc hai vợ chồng bán đồ cổ khi phát hiện được có đúng quy định pháp luật hay không đang được dư luận quan tâm.
Ông Ngân Văn Xuân chùi rửa chiếc bình gốm cổ đào được khi đi cuốc cỏ đồi keo.
Ông Ngân Văn Xuân chùi rửa chiếc bình gốm cổ đào được khi đi cuốc cỏ đồi keo.

Cuốc cỏ “được” bình cổ 

Người gặp may trong câu chuyện này là ông Ngân Văn Xuân (57 tuổi). Ông Xuân cho biết, trước đó vào sáng 28/11, vợ ông đi vào lán rẫy ở khu vực Huồi Xa (thuộc bản Bon) để cuốc cỏ đồi keo. Khi vợ ông Xuân dùng cuốc đào đất thì bất ngờ phát hiện một cái bình nổi lên nhưng bà không dám xem. Bà bỏ cuốc rồi chạy về nhà gọi ông Xuân ra xem. Đến nơi, ông Xuân đã bê nguyên chiếc bình lên và đưa về nhà.

“Khi tôi đem chiếc bình ra để rửa, bà con trong bản thấy vậy kéo đến rất đông, nhiều người đã chụp ảnh, quay clip tung lên mạng xã hội Facebook.'- ông Xuân kể.

Bình gốm lạ có nhiều hoa văn bắt mắt, nhiều người đến xem đánh giá đây là cổ vật đồ gốm có giá trị. Biết tin, nhiều người đã đến hỏi mua và xin đặt cọc tiền. Trong số đó có người đàn ông ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) trả giá 400 triệu đồng và ông Xuân đã đồng ý bán.

Khoảng 8 giờ ngày 29/11, ông Xuân đã giao bình gốm cổ và nhận 400 triệu đồng từ người đàn ông này. Được biết, gia đình ông Xuân thuộc diện hộ nghèo, hiện ở trong 1 căn nhà cấp bốn 2 gian tạm bợ.

Sau đó, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Quế Phong ông Võ Khánh Toàn cũng đã xác nhận cho báo chí biết về việc một người dân vừa đào được chiếc bình cổ, bán được 400 triệu đồng ở địa bàn xã.

Phải giao nộp cho Nhà nước

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu căn cứ theo pháp luật hiện hành thì ông Xuân không được bán chiếc bình trên. Vậy quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này như thế nào?

Theo khoản 5, khoản 6 Điều 4 Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2002) được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2009/QH12 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010), di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ 100 năm tuổi trở lên.

Điều 6, Điều 7 quy định, mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Di sản văn hóa phát hiện được mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ đều thuộc sở hữu nhà nước

Điều 5 quy định Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước. Điều 14 quy định: Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây: thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất.

Chiếc bình gốm nghi là cổ vật được bán với giá 400 triệu đồng
Chiếc bình gốm nghi là cổ vật được bán với giá 400 triệu đồng

Ngoài ra, Điều 229 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc: Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy: “1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể, khoản 1 Điều 21 Nghị định 29/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 5/3/2018) quy định: Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan, người có thẩm quyền sau đây:

a) Cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm thuộc khu vực quân sự.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự.

c) Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi gần nhất đối với tài sản bị chìm đắm không thuộc khu vực quân sự.

Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm chịu trách nhiệm về thông tin đã thông báo. 

Điều 25 Nghị định 29/2018 cũng quy định: Tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân tổ chức khai quật, trục vớt tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm có trách nhiệm quản lý tài sản được tìm thấy và bàn giao cho cơ quan nhà nước quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này để bảo quản trong thời gian chờ xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì khi phát hiện di vật, cổ vật, di sản văn hóa, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Người phát hiện được thưởng theo quy định

Khoản 3 Điều 41 Luật Di sản Văn hóa quy định: Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.

Theo khoản 2 Điều 229 Bộ luật Dân sự thì: Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Khoản 5, Điều 30 Nghị định 29/2018 quy định về Mức chi thưởng cho tổ chức cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm và tài sản bị đánh rơi, bỏ quên. 

a) Tổ chức, cá nhân được thưởng trong các trường hợp sau đây:

- Ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia;

- Phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên.

b) Mức tiền thưởng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

- Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng Phần, cụ thể như sau:

+ Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

+ Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

+ Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

+ Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

+ Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các Khoản chi phí theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a Khoản này.

Mức tiền thưởng cụ thể do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được chi thưởng và giá trị tài sản tìm thấy có giá trị đặc biệt thì các cơ quan, người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thưởng.

Có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Khi phát hiện không giao nộp, ngược lại còn chiếm giữ, mua bán trao đổi bất hợp pháp thì có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cụ thể, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tịch thu tang vật.

Về xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” 

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2018 thì: Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm) được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Điều 27 quy định 3 Phương án xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy. Cụ thể như sau:

1. Trả lại cho chủ sở hữu nếu xác định được chủ sở hữu hợp pháp.

2. Trường hợp không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu hợp pháp, thực hiện trả cho tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm đối với trường hợp tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản). Tổ chức, cá nhân được nhận tài sản phải thanh toán các chi phí tìm chủ sở hữu, chi phí vận chuyển, bảo quản và xác định giá trị tài sản.

3. Trường hợp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc chủ sở hữu không thanh toán các Khoản chi phí có liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định hoặc tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này không đến nhận tài sản hoặc không thanh toán các Khoản chi phí có liên quan thì tài sản được tìm thấy được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật và xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Đọc thêm