Bàn cách “dứt điểm” nạn ùn tắc tại Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội so sánh, cùng với hạ tầng giao thông và  điều kiện tương tự nhưng các phương tiện ở TP Hồ Chí Minh đi lại ngăn nắp, trật tự hơn; lòng đường, vỉa hè cũng ít bị lấn chiếm hơn ở Hà Nội.

Sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Sở GTVT và UBND TP Hà Nội vừa hạ quyết tâm “dứt điểm”  tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô…

Giao thông quá lộn xộn

Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Nguyễn Thế Thảo - nhận định, ùn tắc đã và đang là bức xúc, nỗi lo thường trực của người dân: “Hiện nay các phương tiện đang tham gia lưu thông rất lộn xộn, không theo hàng lối. Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trong một số bộ phận còn yếu kém. Công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập, yếu kém”.

sgfs
Ảnh minh họa

Ông Thảo so sánh, cùng với hạ tầng giao thông và  điều kiện tương tự nhưng các phương tiện ở TP Hồ Chí Minh đi lại ngăn nắp, trật tự hơn; lòng đường, vỉa hè cũng ít bị lấn chiếm hơn ở Hà Nội.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đến thời điểm này, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố có khoảng 3,7 triệu môtô, xe máy và gần 380.000 xe ôtô (chưa kể có khoảng 50.000 phương tiện vãng lai), tăng trung bình mỗi năm từ 10-15%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - lại cho rằng, chính sự gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp mới là nguyên nhân chính gây mất trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc một phần cũng bởi tiến độ triển khai một số dự án giao thông quan trọng còn chậm, không ít đơn vị thi công chưa tập trung phương tiện, máy móc con người để thi công dứt điểm, việc giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả.

Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TCty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải TEDI (Bộ GTVT) - thì phân tích, cả nước hiện có 1,8 triệu ôtô thì Hà Nội hiện chiếm 1/6 số lượng, trong khi xe máy chiếm 1/8 trong tổng số hơn 32 triệu phương tiện trên cả nước. “Làm và mở rộng bao nhiêu đường đi cũng không thể chạy theo với sự tỷ lệ nghịch của các tuyến đường và phương tiện” - ông Sơn chia sẻ.

Lại… “xây, kiểm soát và cấm”.

Phương thức “giải bài toán” ùn tắc giao thông được Sở GTVT Hà Nội đưa ra là “tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 21 hạng mục và nhóm công trình nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt là hạn chế ùn tắc giao thông và dảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố” - ông Hùng cho hay.

Sở này sẽ  phối hợp với các lực lượng liên ngành khảo sát tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại giao thông trên một số nút, tiến hành cải tạo, điều chỉnh, lắp các đèn tín hiệu các tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.

Ngoài ra, để giảm tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, Hà Nội cũng đang nghiêm cứu xây dựng mới gần 10 cây cầu vượt tại các nút giao Chùa Bộc-Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc, đường Láng, Nguyễn Sơn-Nguyễn Văn Cừ; Bắc Thăng Long-Nội Bài vượt đường 69… Các cây cầu ở các nút giao này sẽ sử dụng kết cấu nhẹ, an toàn, thi công nhanh và sớm đưa vào khai thác. Thời gian tới, cũng sẽ có khoảng 53 điểm đỗ mới được xây dựng; những điểm đỗ xe thông minh, cao tầng cũng đã được tính đến.

Một giải pháp cấp bách khác là kiểm soát lượng xe cá nhân. “Với số lượng gia tăng đăng ký mới ô tô, xe máy như hiện nay nếu không có biện pháp kiểm soát thì dù có xây dựng hệ thống hạ tầng cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu khẩn trương, ngay lập tức” - Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định. “Nếu có ý kiến thì sẽ điều chỉnh chứ không thể ngồi chờ không làm vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích của người này người khác, nếu cứ ngồi chờ thì không biết bao giờ giao thông mới được cải thiện. Vì vậy, tổ chức giao thông tới đây sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa”.
 
Việt Hùng

Đọc thêm