Điểm nghẽn vì thiếu doanh nghiệp
Là một trong 7 vùng kinh tế được Chính phủ giao lập Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội (KTXH), vùng Bắc Trung bộ là địa bàn đặc biệt, có ý nghĩa chiến lược và lợi thế quan trọng trong kết nối, mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, hiện khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước.
Dù đã có những dự án về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... và với khoảng 40.000 DN, khoảng 300.000 hộ kinh doanh, xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số DN chỉ chiếm 5,5%. Điều này, theo ông Lộc, thể hiện trình độ phát triển của DN khu vực bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung bộ. “Thiếu doanh nhân là nguyên nhân của sự kém phát triển của kinh tế, điều này đúng ở mọi nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch theo Quyết định 1114/QĐ-Ttg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra, dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm giai đoạn 2016-2018.
Một trong những tồn tại được bà Điệp chỉ ra là một số định hướng quan trọng và khâu đột phá của vùng còn chậm được triển khai và đã bộc lộ những tồn tại, yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm năng phát triển cho giai đoạn sau. “Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá với vùng Bắc Trung bộ; cơ chế điều phối vùng theo hướng phải có thực quyền, hiệu lực và hiệu quả”, bà Điệp đề nghị.
Liên kết vùng - liên kết doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi làm thế nào để liên kết vùng hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là vấn đề tỉnh rất trăn trở. “Theo quan điểm của tôi thì việc liên kết vùng và kinh tế vùng mới chỉ dừng lại ở Nghị quyết và chủ trương, còn đi vào thực thi thì vô cùng tự phát, chưa có cơ chế hiệu quả”, ông Quang nhìn nhận.
Để liên kết vùng hiệu quả, ông Quang đưa ra hai giải pháp: Liên kết của các tỉnh trong vùng và Nhà nước phải là nơi định hướng cho việc quy hoạch liên kết vùng.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng liên kết vùng là câu chuyện không hề đơn giản, nhưng khẳng định: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.
Ông Dung đề xuất, cần tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển các tỉnh Bắc miền Trung, phục vụ DN phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển. Đồng thời, nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp DN tiết kiệm chi phí. Với giải pháp về chính sách, cần xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền Trung; mỗi tỉnh đề xuất 3-5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư…
Ông Dung cũng đề nghị hình thành và duy trì Hội nghị “Đối thoại DN” 6 tỉnh Bắc miền Trung (mỗi năm 2 lần), đặc biệt là các DN đầu đàn, dẫn dắt nhằm kịp thời phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của DN để phát triển kinh tế vùng…